TP Quy Nhơn triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định
Chiều 02/10, UBND TP Quy Nhơn tổ chức cuộc họp nghe báo cáo công tác triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn thành phố. Các đồng chí: Nguyễn Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn; Ngô Hoàng Nam - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì cuộc họp.
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND thành phố và các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Chây Âu về khai thát hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định trên địa bàn thành phố Quy Nhơn; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và phường, xã có liên quan.
Quang cảnh cuộc họp
Thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, thời gian qua, Thành uỷ, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp thực hiện chống khai thác IUU trên địa bàn thành phố. Thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, xã có tàu cá đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các chủ tàu, thuyền và ngư dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan chống khai thác IUU; tăng cường công tác quản lý tàu cá, chống khai thác IUU. Trong 9 tháng đầu năm, toàn thành phố đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền thiết thực về chống khai thác IUU đến ngư dân, phát hơn 2.000 tờ rơi tuyên truyền chống khai thác IUU, nhất là tuyên truyền Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12.6.2024 của Hội đồng Thẩm phán - TAND tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; nội dung về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của chính phủ trong lĩnh vực thủy sản.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến phường, xã, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn TP Quy Nhơn không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp. Hiện trên địa bàn thành phố, số tàu cá đã được đăng ký tại Chi cục Thuỷ sản tỉnh là 859 chiếc có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên tham gia hoạt động khai thác, với tổng công suất 122.032 CV; có 230 tàu cá/305 tàu cá có chiều dài từ 6 mét đến dưới 15 mét đã thực hiện cấp Giấy phép khai thác thuỷ sản; lãnh đạo thành phố và phường xã đã tích cực vào cuộc chỉ đạo, triển khai các giải pháp quản lý tàu cá, tuyên truyền vận động chủ tàu cá và ngư dân trong việc chấp hành thực hiện theo quy định của pháp luật; các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, thực thi pháp luật; ý thức và trách nhiệm của chủ tàu cá nâng dần, từ đó không có tàu cá trên địa bàn thành phố Quy Nhơn vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp.
Tuy nhiên, vẫn còn 42 tàu cá chưa cấp Giấy phép khai thác thủy sản, trong đó 04 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên và 38 tàu có chiều dài dưới 15 mét. Nguyên nhân là do số tàu cá này không hoạt động sản xuất, tự cải hoán sửa chữa vỏ; chủ tàu cá tự nâng công suất máy nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc hoạt động ở các vùng bãi ngang, vùng ven đầm trên địa bàn thành phố. Thành phố hiện có 04 tàu cá thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hàng năm không đưa tàu về địa phương, đây là nhóm tàu cá có nguy cao vi phạm vùng biển nước ngoài; công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục tăng cường quản lý và các biện pháp giải quyết trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo thành phố, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thành phố và phường, xã đã thảo luận, nêu lên những kết quả đạt được, làm rõ những nội dung tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp về chống khai thác IUU nhằm chuẩn bị cho đợt làm việc với đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5 dự kiến vào cuối năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn đề nghị Ban chỉ đạo IUU thành phố, các cấp, các ngành và hệ thống chính trị thành phố xác định công tác chống khai thác IUU là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện quyết liệt, trách nhiệm cao, đồng bộ nhiều giải pháp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị, địa phương; cần tập trung cao độ, triển khai cao điểm, huy động nguồn lực ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; huy động sự vào cuộc trách nhiệm của các ngành, đơn vị liên quan, đồng thời tăng cường lực lượng công an, biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương tại các địa bàn trọng điểm vừa tuyên truyền vận động, vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa tàu cá, chủ tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nỗ lực quyết tâm cùng với tỉnh Bình Định và cả nước gỡ “Thẻ vàng” của EC, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng chí Bí thư Thành uỷ cũng nhấn mạnh, công tác chống khai thác IUU là một trong nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố, do vậy, địa phương nào để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài thì tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Ngô Hoàng Nam - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn yêu cầu Ban chỉ đạo IUU thành phố, các cấp, các ngành và hệ thống chính trị thành phố thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy; đồng thời tiếp tục nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ đã và đang được thực hiện; thành lập tổ công tác chuyên biệt về phòng chống IUU các cấp trên địa bàn thành phố; các ngành, đơn vị, các địa phương tổ chức tốt công tác quản lý tàu cá, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm IUU; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân về chống khai thác IUU, vận động chủ tàu cá và ngư dân nghiêm túc chấp hành thực hiện không để vi phạm vùng biển; các địa phương tăng cường công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tuyên truyền vận động ngư dân cấm dùng chất nổ, xung kích điện, không đánh bắt bằng các phương tiện có tính chất hủy diệt ngư trường, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Thực hiện rà soát, thống kê các đối tượng hoạt động nghề sử dụng ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản trái phép, phân loại đối tượng theo dõi, quản lý và lồng ghép các chính sách hỗ trợ theo quy định; đối với các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề khác ổn định cuộc sống lâu dài, hướng đến khai thác bền vững nguồn lợi tự nhiên, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế ổn định cho người dân.