|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn nông thôn mới Tây Sơn

Sáng nay (1.10), UBND tỉnh tổ chức lễ công bố huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Ðây là thành quả của sự đồng lòng, chung tay xây dựng của cả Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Sơn.

Kinh tế chuyển biến mạnh mẽ

Hơn 12 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp lãnh đạo, chính quyền huyện Tây Sơn xác định: Phải làm sao để bà con thay đổi và chủ động trong cách nghĩ, cách làm, đồng thuận chung tay cùng thực hiện bởi người thụ hưởng không ai khác là bà con nhân dân. Do đó, huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy tốt nội lực và sức mạnh toàn dân.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tây Sơn đạt 47,1 triệu/người/năm, đây không phải là mức thu nhập cao, nhưng so với khi bắt đầu xây dựng NTM vào năm 2011 (15,7 triệu đồng/người/năm) là sự phát triển vượt bậc. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM ở huyện đạt hơn 3.440 tỷ đồng, trong đó có 1.097 tỷ đồng được Trung ương và tỉnh hỗ trợ, hơn 1.028 tỷ đồng từ ngân sách huyện, hơn 725 tỷ đồng từ ngân sách xã… Đặc biệt, hơn 80 tỷ đồng do nhân dân, DN ở huyện đóng góp.

Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, nhấn mạnh: Tây Sơn được xác định là một trong những địa bàn nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền giữa cảng Quy Nhơn với vùng Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện trở thành một trong những khu vực phát triển sâu về lĩnh vực công nghiệp. Huyện luôn xác định “công nghiệp là trụ cột, nông nghiệp là bệ đỡ, du lịch là mũi nhọn” để phát triển thế mạnh của địa phương.

Toàn huyện có 12 cụm công nghiệp, tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 472,31 ha phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 81,2%, giải quyết việc làm cho 6.000 lao động tại chỗ. Huyện thu hút một số dự án như: Công ty CP Takao Bình Định sản xuất gạch men cao cấp với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; công ty đã đầu tư giai đoạn 1 (1.000 tỷ đồng) đưa vào hoạt động từ quý II/2024 và tạo được công ăn việc làm cho gần 700 lao động; Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite do Công ty CP Công nghiệp Kamado làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng… Đây cũng là một trong những “bệ phóng” tăng thu nhập cho bà con nhân dân ở huyện.

Huyện tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống đập dâng Phú Phong, đập dâng Nước Gộp, đập dâng Thượng Sơn cùng nhiều hệ thống công trình thủy lợi nhỏ… Từ đó, người dân ứng dụng được công nghệ trong sản xuất như sử dụng các hệ thống tưới tiết kiệm, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, sản xuất quy mô tập trung; chủ động chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập.

Nhiều đổi thay tích cực

Về các xã, thị trấn ở huyện Tây Sơn, có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng ở vùng đất võ anh hùng này. Dọc theo những tuyến đường liên huyện, liên xã, cảnh quan môi trường được cải thiện, theo tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp; hạ tầng và thiết chế nông thôn được đầu tư khá đồng bộ. Toàn bộ 7 tuyến đường huyện với chiều dài 69,45 km đảm bảo đạt quy mô tiêu chuẩn cấp V đồng bằng; 100% xã, thị trấn có đường ô tô kết nối với đường huyện đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân.

Ông Nguyễn Văn Nam, thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú, bộc bạch: Chỉ vài năm gần đây, hệ thống giao thông đi các xã, thị trấn trong toàn huyện thay đổi bất ngờ. Đường sá được mở rộng, nâng cấp, người dân đi lại thuận tiện và đảm bảo an toàn giao thông. Vì thế, họ đồng lòng hiến đất, lắp đèn điện, trồng hoa, tạo cảnh quan trước nhà khang trang, đẹp mắt hơn.

Thành công nổi bật của huyện Tây Sơn là đưa xã Vĩnh An, xã miền núi đặc biệt khó khăn với gần 90% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống về đích NTM. Ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, cho biết: Từ chương trình xây dựng NTM với rất nhiều các tiêu chí được thực hiện, Vĩnh An đã thay đổi rất nhiều, từ hệ thống giao thông, trường học và có 283 công trình nhà vệ sinh được xây dựng cho bà con xã, góp phần rất lớn trong thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường…

Với những nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân trong huyện, Tây Sơn đã tạo dựng được hình ảnh mới, sức bật mới, hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra. Ghi nhận những kết quả đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 16.8.2024 công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Chủ tịch UBND huyện Phan Chí Hùng khẳng định: Xây dựng NTM cái cốt yếu cuối cùng là đời sống của bà con nhân dân phải có sự cải thiện về vật chất và tinh thần. Chương trình hỗ trợ mục tiêu về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, truyền thông giáo dục sức khỏe thực hiện hiệu quả. Đáng ghi nhận, lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Tây Sơn còn được biết đến với nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng như: Bảo tàng Tây Sơn, Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, Tháp Dương Long… Mỗi năm, huyện đón khoảng 350 nghìn lượt khách tham quan các khu di tích lịch sử, du lịch cộng đồng. Huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch nhằm khai thác tối đa thế mạnh địa phương, đặc biệt trong việc hình thành chuỗi liên kết theo hướng kinh tế du lịch. Cùng với đó, những nét đặc sắc về thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang được huyện đầu tư, khai thác, tạo sản phẩm du lịch mới, độc đáo, mang nét đặc trưng riêng.

Chính những yếu tố trên là một trong những “đầu tàu” thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Tây Sơn, nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần; đồng thời, tạo đà để huyện phát triển thành đô thị loại IV trong năm 2025 và là thị xã vào năm 2030.


Tác giả: HẢI YẾN
Nguồn:vietnam.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật