Tuy Phước chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão
Tuy Phước nằm ở hạ lưu của nhiều con sông, có địa hình thấp, trũng. Vào mùa mưa lũ, nhiều khu vực trên địa bàn huyện bị chia cắt, cô lập, gây nhiều khó khăn trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, huyện Tuy Phước đã xây dựng và triển khai các phương án phòng chống lụt bão, bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần với mức cao nhất để sẵn sàng đối phó khi thiên tai xảy ra.
Cán bộ chiến sĩ Ban CHQS huyện Tuy Phước kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCLB-TKCN
Với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra. Các phương án bảo vệ các công trình, những vị trí xung yếu được bổ sung, đặc biệt công tác di dời người và tài sản của Nhân dân. Chỉ đạo cho UBND các xã, thị trấn rà soát, kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn, củng cố các đội xung kích, chỉ đạo các cơ quan kiểm tra các công trình đê điều, các hồ chứa đảm bảo thoát lũ an toàn. Chỉ đạo các đơn vị thi công trên địa bàn huyện đang gấp rút triển khai thực hiện các hạng mục công trình tiêu thoát lũ nhằm đảm bảo dòng chảy tiêu thoát trong mùa mưa.
Trong năm 2023, từ nguồn vốn ngân sách, huyện Tuy Phước đã đầu tư khoảng 27 tỷ đồng, thực hiện 8 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện gồm: Nâng cấp trạm bơm Tri Thiện, xã Phước Quang; gia cố đê sông Gò Chàm đoạn thượng lưu, hạ lưu cầu Phú Đa; đê sông Cây Me đoạn hạ lưu tràn 03 xã; đê sông đoạn Nam Bồ Bồ thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn; tuyến đê bờ Nam TX6 thôn Lộc Thượng xã Phước Sơn; đập dâng Thanh Quang xã Phước Thắng; đê thượng, hạ lưu đập Hạ Bạc; đê thượng lưu đập Thanh Quang và Đê bờ Bắc hạ lưu đập Bạn Dừa.
Đồng chí Huỳnh Nam – Chủ tịch UBND huyện cùng Đoàn công tác kiểm tra các công trình thủy lợi đang thi công trên địa bàn huyện
Ông Nguyễn Hồng Đình Thoại - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐTXD và PTQĐ huyện cho biết: “Hiện nay, các công trình cơ bản đã gia cố phần đê, phần giáp dưới nước và các mái đê. Thi công đến đâu là khẩn trương, hoàn thiện đến đó, không để dang dở. Ngoài ra, những phần chưa thực hiện được thì đơn vị đã có phương án đắp đất và giữ cho ổn định. Trong trường hợp xảy ra mưa lũ vẫn bảo đảm an toàn, không để xảy ra vỡ, lở làm ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân”.
Ngoài ra, là cơ quan thường trực, chủ lực trong công tác phòng chống thiên tai, Ban CHQS huyện Tuy Phước luôn chủ động nhiều biện pháp ứng phó giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực xử lý các tình như kĩ năng lái xuồng, kỹ thuật vớt, cấp cứu người bị nạn, tìm kiếm cứu hộ. Các lớp tập huấn phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được BCHQS huyện tổ chức định kỳ trước khi vào mùa mưa bão. Với phương châm “4 tại chỗ”, Ban CHQS huyện Tuy Phước tích cực chủ động nâng cao năng lực thực hành xử lý các tình huống trong toàn lực lượng; thường xuyên tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện kiện toàn đội chuyên trách, nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên, ưu tiên ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa có nguy cơ cao và thường xuyên bị lũ, lụt, sạt lở đất… Cùng với đó, thường xuyên rà soát, nắm tình hình tại các khu vực xung yếu, xây dựng các phương án di dời dân và cung cấp lương thực, thực phẩm khi có sự cố; thiết lập kênh trao đổi thông tin, thông báo cảnh báo, dự báo, diễn biến tình hình mưa bão và khí hậu thời tiết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống.
Thượng tá Phạm Thanh Hà – Chỉ huy trưởng BCHQS huyện kiểm tra trang bị, vật chất phòng chống lụt bão của đơn vị trước mùa mưa bão
Thượng tá Phạm Thanh Hà – Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện chia sẻ: “Khi xây dựng các phương án phòng chống thiên tai theo từng cấp độ bão, lũ, chúng tôi luôn gắn với phương án phòng thủ dân sự. Trên cơ sở đó, tùy vào tính chất, quy mô mà chủ động tham mưu về lực lượng, phương tiện, duy trì các kíp trực chỉ huy, điều hành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người và tài sản của Nhân dân. Trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, công tác trực sẵn sàng chiến đấu cũng được Ban CHQS huyện quan tâm và đặt lên hàng đầu; tổ chức các kíp trực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến xã; tăng cường cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp bám địa bàn, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng của Bộ, Quân khu sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu và xử lý khi có tình huống, nhanh chóng khắc phục hậu quả, giúp Nhân dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về nguy cơ và cách phòng, chống tai nạn do thiên tai”./.