Tuy Phước: Ngư dân huyện chuẩn bị cho vụ nuôi trồng thủy sản 2023
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước: trong vụ nuôi trồng thủy sản 2023, bà con ngư dân ở 4 xã khu Đông: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng trên địa bàn sẽ đưa vào nuôi trồng hơn 809ha diện tích mặt nước, trong đó có 93 ha nuôi tôm Bán thâm canh, thâm canh; cụ thể: xã Phước Thuận: 189,6 ha; Phước Sơn: 319,9 ha; Phước Hòa: 247,5ha và Phước Thắng 52,2 ha.
Một hồ nuôi trồng thủy sản ở xã Phước Thuận
Ông Phạm Quang Ân – Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Qua lịch thời vụ được UBND huyện ban hành, các vùng nuôi trồng thủy sản ở địa phương sẽ bắt đầu vụ 1 thả giống từ ngày 01/03. Hiện nay, bà con ngư dân ở các địa phương trên đã thả giống khoảng 210 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (trong đó, có 30 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức Bán thâm canh, thâm canh và 180 ha nuôi tôm sú theo hình thức Quảng canh cải tiến), đạt tỷ lệ 26% so với tổng số diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trong vụ này của huyện. Hiện nay vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 trên địa bàn huyện có nhiều đợt không khí lạnh và nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao. Dự báo, thời tiết còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nên làm cho đối tượng nuôi bị ảnh hưởng và dễ phát sinh dịch bệnh; do vậy khuyến cáo bà con ngư dân cần theo dõi diễn biến thời tiết để có kế hoạch thả tôm nuôi được đảm bảo an toàn, hạn chế dịch bệnh”.
Tại xã Phước Sơn, ông Nguyễn Minh Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đến thời điểm này bà con ngư dân đã thả giống được khoảng 150 ha (nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến) trong tổng số 319,9 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Diện tích còn lại đang cải tạo ao và triển khai thả theo đúng lịch của tỉnh, huyện đề ra.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng: để giúp bà con ngư dân trên địa bàn xã yên tâm bước vào vụ sản xuất, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, như: Phối hợp cùng các ngành liên quan hỗ trợ tìm nguồn giống chất lượng cho bà con ngư dân, tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống, vận động bà con xử lý môi trường ao, xung quanh ao nuôi bằng Chlorine hoặc Chlorile. Đồng thời, thả giống đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của các ngành chức năng. Ngoài ra, còn khuyến cáo khi có dịch bệnh xảy ra, chủ hộ nuôi cần báo cáo cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng chuyên môn xử lý kịp thời, tránh lây lan sang diện rộng. Hiện bà con ngư dân trong xã đã thả giống được 21 ha diện tích mặt nước tại thôn Lạc Điền và trong đó chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng.
Để đảm bảo vụ nuôi thành công các ngành chức năng của huyện Tuy Phước cũng khuyến cáo người nuôi tôm cần thực hiện đúng khung lịch mùa vụ, chú ý thực hiện “3 giảm, 3 tăng” trong nuôi tôm nước lợ, gồm: Giảm vụ nuôi xuống còn 2 vụ/năm để kéo dài thời gian cho ao đất nghỉ ngơi; giảm mật độ thả giống xuống khoảng từ 70-100 con/m2 xuống còn 30-50 con/m2, giảm sử dụng các loại thuốc, hóa chất để cải tạo ao. Áp dụng kỹ thuật nuôi theo công nghệ nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, Công nghệ Semi Biofloc, kỹ thuật trải bạt nền, xử lý chất thải trong quá trình nuôi bằng biện pháp cơ học (hút chất thải trong quá trình nuôi ra ao xử lý chất thải, để khô rồi nạo vét đưa ra khỏi vùng nuôi) kết hợp với biện pháp sinh học (sử dụng các chế phẩm sinh học phân giải mùn bã hữu cơ, hoặc nuôi cá rô phi ở ao chứa, lắng; giai lưới giữa ao nuôi). Bên cạnh những thuận lợi và khó khăn, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và kinh nghiệm của bà con ngư dân, tin rằng, huyện Tuy Phước sẽ có một vụ nuôi trồng thủy sản thắng lợi đem lại thu nhập khá cho người nuôi tôm./.