A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Thạnh: Hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn

Trong vụ Đông Xuân (ĐX) 2013-2014, huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai 6 mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với tổng diện tích 160 ha, sản xuất bằng giống lúa lai. Qua thu hoạch, ước năng suất bình quân CĐML đạt 70 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 5 - 7 tạ/ha, hiệu quả cao hơn từ 2 triệu đến 3,5 triệu đồng/ha.

Thu hoạch lúa ĐX 2013-2014 trên CĐML thôn Định Trung, xã Vĩnh Quang. Ảnh: XUÂN DŨNG

Vụ ĐX 2013-2014, xã Vĩnh Thịnh tiếp tục triển khai mô hình CĐML trên diện tích 33 ha, xã Vĩnh Quang và Vĩnh Hòa mỗi xã 30 ha, xã Vĩnh Thuận 31 ha, xã Vĩnh Hiệp 16 ha và thị trấn Vĩnh Thạnh 20 ha. Ông Lê Kim Quốc, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Trong vụ này, các hộ nông dân tham gia CĐML ở Vĩnh Thạnh được Trung tâm Sản xuất giống lúa lai Đắk Lắk, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT, Công ty Bayer Việt Nam, Nhà máy phân bón Long Mỹ hỗ trợ và cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giống lúa lai. Cùng với đó, các doanh nghiệp nói trên đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV huyện tập huấn đầu vụ và giữa vụ cho nông dân tham gia mô hình. Các doanh nghiệp đã cho nông dân nợ tiền mua giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV.

Nhờ thực hiện “3 cùng” (cùng loại giống, cùng cánh đồng, cùng thời gian) nên việc điều tiết nước và chăm sóc cây trồng được thuận lợi hơn nhiều so với trước, lúa chín tập trung nên có thể ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, làm giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả. Đồng thời các chi phí về giống, thuốc BVTV, công lao động cũng giảm nhiều. Ngoài hiệu quả kinh tế, thông qua thực hiện CĐML, bước đầu có thể khẳng định mối liên kết giữa 4 nhà đã tạo sự nhận thức và niềm tin của người nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nông dân có ý thức thường xuyên thăm đồng, kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại, có nhận thức đúng về sử dụng thuốc BVTV trên cây lúa một cách tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV, không sử dụng nhiều gây ô nhiễm môi trường sinh thái, làm tăng chi phí không cần thiết, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Ở xã Vĩnh Quang, đây là vụ thứ hai bà con nông dân tham gia mô hình CĐML. Theo đánh giá tại hội thảo mô hình cho thấy, việc thực hiện CĐML đã nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền và bà con nông dân. Đây cũng là phương thức sản xuất mới, góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ của người nông dân để chuyển sang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, biện pháp canh tác mới. Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn và thực hiện đúng kỹ thuật xuống giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đồng loạt, nên năng suất và hiệu quả cao hơn hẳn so với trước, bà con rất phấn khởi và đồng tình.

Ông Trịnh Bảo Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, khẳng định: Các mô hình trình diễn sản xuất CĐML được tổ chức theo mùa vụ tại từng địa phương, đã cho những kết quả hết sức thuyết phục. Nhờ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV một cách cân đối và hợp lý, tiết kiệm, mà vẫn đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiệu quả kinh tế cuối cùng trên cùng một đơn vị diện tích cũng cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống. Mô hình CĐML còn góp phần giảm công lao động, giảm áp lực nhân công mỗi khi vào vụ sản xuất và thu hoạch lúa, từng bước hiện thực hóa hiệu quả của sự liên kết 4 nhà. CĐML bón phân hợp lý, giảm phân đạm gây ô nhiễm môi trường và tồn dư trong nông sản, ít sâu bệnh, nên giảm việc sử dụng thuốc BVTV. CĐML sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh nên giúp cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Mục tiêu của việc xây dựng CĐML là thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất khép kín với sự liên kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân. Trên cơ sở hoạch định chính sách của địa phương, sự hỗ trợ về kỹ thuật của nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia thực hiện cung ứng vật tư nông nghiệp (giống, thuốc BVTV, phân bón…), được thực hiện một cách đồng bộ, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân. 

 

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật