Bão số 13 rất khó dự báo, phải hết sức cảnh giác
Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đến 9h sáng nay, bão số 13 còn cách Hoàng Sa 410 km, cách đất liền 880 km, cường độ bão lúc đó ở cuối cấp 11, đầu cấp 12. Dự báo trong 48 giờ tới, bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Đặc biệt, với cơn bão này, sức gió trong cơn bão các khu vực ảnh hưởng có thể lên tới cấp 9, cấp 10 và giật cấp 12. Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đề nghị các địa phương cần hết sức quan tâm chú ý về sức gió, vì theo kinh nghiệm của những cơn bão gió lớn trước đây, nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Cần hết sức cảnh giác với lốc xoáy và gió giật như cơn bão số 5 vừa qua.
Tại cuộc họp trực tuyến, các địa phương có khả năng ảnh hưởng báo cáo, hầu hết các phương án chuẩn bị ứng phó với bão số 13 cũng đã sẵn sàng. Tuy nhiên, theo dự báo, diễn biến của cơn bão này còn rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, rất khó dự báo chính xác về khu vực, thời gian, cấp độ bão sẽ đổ bộ.
Nhận định tác động và sự nguy hiểm của cơn bão số 13, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương từ Thanh Hóa- Bình Định kiểm soát lại các tàu thuyền, kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi đã neo đậu tránh trú bão. Tập trung công tác sơ tán người dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, không để bất cứ một người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh khi bão đến. Cùng với đó là hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực.
Các địa phương, đơn vị triển khai nhanh phương án bảo vệ cơ sở hạ tầng, các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, hệ thống điện; quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy trình vận hành các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du. Cùng với đó là triển khai nhanh các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại cuộc họp.
Ngay sau Hội nghị trực tuyến của Chính phủ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục họp bàn triển khai công tác ứng phó bão số 13.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác ứng phó với bão, mưa lũ lớn, nhất là đối với việc xử lý tình trạng sạt lở, di dời các hộ dân sinh sống ở vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Tiếp tục thực hiện nghiêm lệnh cấm xuất bến từ 14 giờ ngày 11/11/2020, nhanh chóng kiểm tra, rà soát và kêu gọi tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão; tổ chức sắp xếp, hướng dẫn tàu cá neo đậu tại các khu neo đậu trú, tránh bão, kiên quyết không cho thuyền viên ở lại trên tàu, trên các lồng bè, chòi canh. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tàu vận tải, tàu vãng lai di chuyển ra ngoài vùng ảnh hưởng bão, sắp xếp neo đậu tàu an toàn. Các địa phương rà roát lại các điểm có nguy cơ bị ngập lũ, triều cường và các điểm có nguy cơ sạt lở; xác định số hộ sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai để sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Chủ động chằng chống nhà cửa, cơ quan, trường học, cơ sở sản xuất trước khi bão vào. Các lực lượng quân đội, Công an chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và phân bổ lực lượng cụ thể tại từng khu vực trong tỉnh để sẵn sàng ứng phó với bão số 13,….
Thùy Trang