A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định gồng mình chống hạn

Nắng hạn gay gắt đã khiến lượng nước của 75 % các hồ chứa thủy lợi của tỉnh Bình Định ở dưới mực nước chết. 15 nghìn ha lúa và hoa màu cùng gần 20 nghìn hộ dân thiếu trầm trọng nước sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, cả hệ thống chính trị và người dân Bình Định đang gồng mình chống hạn.

Người dân cắt lúa cho bò ăn.

Chúng tôi về huyện Phù Mỹ, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt hạn này. Trên các cánh đồng lúa và hoa màu xác xơ, héo úa vì thiếu nước của xã Mỹ Đức – điểm nóng nhất, hàng trăm người dân đổ ra đồng đào ao, khoan giếng, nạo vét kênh mương cứu lúa và hoa màu.

Ông Hồ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài cho biết: “Vụ hè thu này, cả xã có 354 ha lúa và 760 ha màu. Đến nay, diện tích lúa mất trắng là 80 ha, hơn 20% cây màu (sắn, lạc...) đã chết khô. Các thôn bị thiệt hại nặng nhất là Mỹ Hội 1, Mỹ Hội 2, Mỹ Hội 3, Vĩnh Phú 7 và Vĩnh Phú 8. Tại hai thôn Mỹ Hội 2 và Mỹ Hội 3, gần 300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hai hồ chứa Hóc Quảng và Núi Giàu tưới cho các cánh đồng lúa và hoa màu của các địa phương này đã cạn trơ đáy từ hơn một tháng qua. Đợt lũ tiểu mãn vừa qua, khác với nhiều năm trước, trên địa bàn xã, không có được một trận mưa nào. Đây là đợt hạn gay gắt nhất từ hơn 10 năm trở lại đây. Trước tình hình này, UBND xã đã chỉ đạo HTX nông nghiệp ứng ngân sách 24 triệu đồng, đào bốn ao lấy nước cứu lúa. Mặt khác, UBND xã động viên người dân đào ao, khoan giếng cứu được hơn 30 ha lúa...”.

Giữa cánh đồng nắng như thiêu đốt, chúng tôi bắt gặp bao ánh mắt thẫn thờ, mệt mỏi khi thành quả lao động của họ hơn ba tháng qua có nguy cơ mất trắng. Bà Nguyễn Thị Nguyệt đưa tay gạt nước mắt trộn mồ hôi ngẹn ngào: “Nhà tôi làm được ba sào lúa, hôm qua cắt hai sào cho bò ăn, mà bò cũng chê không ăn vì lúa khô, đắng quá. Còn lại một sào, chúng tôi chán cũng không muốn cắt nữa. Sắp tới, thiếu đói là chắc rồi. Đang bàn tính tìm việc làm thêm mà cũng chưa tìm ra việc gì...”.

Ông Đặng Thanh Liêm, 72 tuổi, ở thôn Mỹ Hội 3 đang loay hoay đào giếng ở chân cầu Dốc Cầm mệt mỏi giãi bày: “Nhà tôi làm được 3,5 sào lúa. Sáng nay cắt 1,5 sào cho bò rồi. Thấy ở đây còn chút nước nên ráng đào xem thử có cứu được mấy thửa còn lại không. Thôi thì “còn nước còn tát” chứ biết làm sao bây giờ?”.

Tại ao Đồng Đập Bay ở thôn Mỹ Lợi 3 mới được HTX đào tuần trước, chúng tôi bắt gặp hơn chục người dân đang chờ đến lượt bơm nước vào ruộng của mình. Những người dân này cho biết, ao đào sâu hơn 4 mét, rộng 10 mét nhưng phải chờ năm tiếng đồng hồ mới bơm được nửa tiếng. Hơn nửa tháng qua, những người nông dân chân chất, cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nơi đây không đêm nào chợp mắt. Họ kiên nhẫn chờ từng giọt nước rỉ ra từ lòng đất để đưa vào ruộng của mình, để giữ ẩm cho lúa làm đòng và cầm cự chờ mưa...

Trên cánh đồng của thôn Mỹ Lợi 1, chúng tôi gặp anh Đặng Văn Long đang dùng máy đào ao lấy nước. Anh cho biết, anh phải bỏ ra hai triệu đồng thuê máy đào để trước hết cứu hai sào lúa của gia đình mình, sau đó sẽ bơm nước thuê để cứu lúa cho bà con. Khi những gầu máy đào cắm sâu xuống lòng đất làm lộ ra mạch nước ngầm, hàng chục người dân đã mừng vui khôn xiết ôm chặt lấy nhau, nhảy cẫng lên vì sung sướng. Anh Nguyễn Thành Luân, chuyên viên giao thông thủy lợi của xã Mỹ Tài cho biết: “Cả xã Mỹ Tài đang có hàng chục ao và gần một trăm giếng đào, giếng khoan do bà con tự làm để cứu lúa và hoa màu. Nhờ vậy diện tích lúa được cứu sẽ khoảng gần 300 ha”.

Ông Hồ Văn Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đây là năm thứ 3 liên tiếp Mỹ Tài bị hạn nặng. Nhưng năm nay mức độ trầm trọng hơn. Mấy năm trước, do hạn, cả xã có 50 đến 70 hộ phải cứu đói. Năm nay số lượng này chắc sẽ nhiều hơn. UBND xã đã giao nhiệm vụ cho cán bộ thôn điều tra nắm chắc tình hình khả năng thiếu đói của các hộ dân để lên kế hoạch đề xuất cấp trên cứu đói cho bà con. Với phương châm “không để một người dân nào bị đói và khát”. Theo đó, UBND xã đã đề nghị cấp trên chi viện các phương tiện của quân đội đưa nước ngọt cấp cho dân vùng khát nước sạch vào thời điểm thích hợp...”.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Phù Mỹ, hiện nay, các xã bị hạn nặng nhất là Mỹ Chánh Tây, Mỹ Châu, Mỹ Hiệp và Mỹ Tài. Cả huyện có khoảng 2.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, xã Mỹ Chánh 1.500 hộ, xã Mỹ Phong 500 hộ, xã Mỹ Chánh Tây 300 hộ, xã Mỹ Châu 140 hộ và xã Mỹ Thành 100 hộ. Huyện đang có kế hoạch đưa nước ngọt cung cấp cho các hộ dân này.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Giải pháp quyết liệt trước mắt của tỉnh là bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân bằng cách kéo, đấu nối các đường ống cung cấp nước, kết hợp với việc chở nước cung cấp cho người dân và gia súc. Về cây trồng, Bình Định sẽ tăng cường nạo vét kênh mương, đào ao, khoan giếng... giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn. Về lâu dài, tỉnh sẽ xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với các vùng thường xuyên bị hạn hán...”.

Bài, ảnh: CÁT HÙNG


Tin nổi bật Tin nổi bật