|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định sẽ thẩm định lại toàn bộ tàu vỏ thép của ngư dân

Chiều 10.5, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chủ trì buổi làm việc giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương, 2 đơn vị đóng tàu vỏ thép là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) với các ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng.

Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS (tàu bị rỉ sét) được đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương mới đưa vào sử dụng vào tháng 8.2016 đã xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: Dũ Tuấn)
 
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, sau buổi làm việc ngày 5.5 (Thanh Niên đã thông tin), Công ty Nam Triệu đã thống nhất với 12 chủ tàu cá vỏ thép (đóng tại đơn vị này) là công ty sẽ chịu mọi chi phí sửa chữa, bảo hành khắc phục sự cố hư hỏng máy thủy chính, máy phát điện, vỏ tàu và đồng ý hỗ trợ một phần chi phí thiệt hại của chủ tàu do sự cố hỏng máy gây ra. Ngày 9.5, sau khi đi kiểm tra thực tế, Công ty Đại Nguyên Dương đã thống nhất với 5 chủ tàu cá vỏ thép là công ty sẽ chịu mọi chi phí kéo tàu vào Cam Ranh để sửa lại toàn bộ vỏ tàu bị gỉ sét và khắc phục các sự cố hư hỏng trong phạm vị trách nhiệm của công ty.
Tại buổi làm việc, các ngư dân cho rằng trong hợp đồng đóng tàu có ghi tôn đóng vỏ tàu là tôn Hàn Quốc/Nhật Bản nhưng Công ty Đại Nguyên Dương lại dùng tôn Trung Quốc để thay thế. Trong khi đó, máy chính trong các tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng bên ngoài vỏ ghi nhãn hiệu máy là Mitsubishi như hợp đồng nhưng hộp số bên trong nhãn hiệu của một đơn vị khác. Các ngư dân cũng phản ánh, các công ty đóng tàu chỉ sơn vỏ tàu có 2 lớp trong khi hợp đồng ghi là sơn 5 lớp, ngư lưới cụ thiết kế không phù hợp với tàu nên đánh bắt trên biển hay bị quấn vào chân vịt, mẫu tàu vỏ thép theo thiết kế được Bộ NN-PTNT tài trợ nhưng các công ty đóng tàu đã thu của ngư dân hàng trăm triệu đồng chi phí thiết kế mẫu tàu...
Đại diện Công ty Nam Triệu giải thích việc máy mới nhưng liên tục bị hỏng và không đồng bộ là đơn vị này hợp đồng mua máy chính với các đơn vị có uy tín, máy móc khi nhập về được kiểm định và có mời ngư dân hợp đồng đóng tàu đến kiểm tra. Đơn vị này thừa nhận tàu vỏ thép hỏng là do trách nhiệm của đơn vị đóng tàu nhưng cũng có phần trách nhiệm của ngư dân không biết vận hành, bảo quản máy, ngư dân khi nhận tàu không được tập huấn nhận tàu và vỏ tàu bị gỉ sét là… “do nước biển mặn”! Còn Công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận việc đơn vị này dùng thép Trung Quốc thay thế thép Hàn Quốc/Nhật Bản nhưng “thép Trung Quốc có chất lượng tương đương, đủ điều kiện đóng tàu”, tàu đóng mới nhưng bị gỉ sét là do điều kiện thời tiết đánh bắt khắc nghiệt...
Tuy nhiên, cả ông Trần Châu, lãnh đạo các huyện và ngư dân không đồng tình với cách giải thích vòng vo của các đơn vị đóng tàu. Theo ông Châu, việc các công ty đổ lỗi cho ngư dân không biết vận hành tàu là không đúng. Ông Châu yêu cầu Công ty Nam Triệu, Công ty Đại Nguyên Dương phải hoàn thành việc khắc phục máy móc, xử lý các sự cố tàu vỏ thép ngay trong tháng 6.2017 để ngư dân ra khơi, yêu cầu các công ty trả tiền thiết kế mẫu tàu đã thu cho ngư dân. “Đóng tàu phải theo đúng hợp đồng. Máy móc phải đồng bộ y như hợp đồng, máy chính phải là máy Mitsubishi, thép đóng tàu phải là thép Hàn Quốc/Nhật Bản. Nếu thép Trung Quốc thì phải tháo ra đóng lại”, ông Châu nói, đồng thời yêu cầu chính quyền các huyện sẵn sàng trợ giúp về pháp lý nếu ngư dân kiện các công ty đóng tàu ra tòa và giao Sở NN-PTNT thuê đơn vị thẩm định độc lập thẩm định lại toàn bộ các tàu cá vỏ thép đóng trên địa bàn tỉnh để xác định chất lượng.
 
Hoàng Trọng (Theo thanhnien.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật