Hội nghị tiếp xúc giữa đoàn ĐBQH tỉnh với Mặt trận và các tổ chức thành viên trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội XIV
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Lý Tiết Hạnh đã thông báo một số kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh sau kỳ họp thứ 2 và dự thảo nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 22.5 và dự kiến bế mạc vào ngày 20.6 tới tại Hà Nội.
Các đại biểu Mặt trận và các tổ chức thành viên đã nêu một số kiến nghị như: đề nghị Chính phủ cho rà soát lại những chiến lược, quy hoạch đã xây dựng trước đây, cần đánh giá lại tính đúng đắn và khả thi của các dự án, loại bỏ những dự án không còn phù hợp; Việc thu phí BOT cao tại các trạm thu phí chưa tương xứng với chất lượng của các công trình giao thông, các Bộ ngành Trung ương cần khảo sát kỹ về chất lượng cũng như xem xét điều chỉnh mức phí phù hợp; Chính phủ cần tiếp tục tăng cường những giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ đảm bảo môi trường sống lành mạnh cho trẻ em trước tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng. Các đại biểu cũng bày tỏ lo lắng trước thông tin Bộ Tài chính dự kiến trình Chính Phủ điều chỉnh khung thế suất xăng dầu từ mức tối đa 4.000 đồng lên 8.000 đồng sẽ có tác động lớn đến cuộc sống của người dân; đề nghị chính quyền các cấp cần có biện pháp quản lý chặt các dịch vụ cho vay tài chính, tín dụng đen và tình trạng mất an ninh, an toàn tại bệnh viện. Một số đại biểu cũng kiến nghị một số bất cập về chính sách đối với người có công, chính sách tiền lương và việc đổi mới chương trình giáo dục; bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với việc ra quân lập lại trật tự hè phố, trả lại vỉa hè cho người đi bộ và bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đề nghị Quốc hội thông qua Luật biểu tình, Luật về hội và tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát việc quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu và trên các lĩnh vực mà nhân dân bức xúc như khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Lê Kim Toàn đánh giá những kiến nghị của các đại biểu Mặt trận và các tổ chức thành viên đều là những vấn đề lớn và rất xác đáng. Về thông qua Luật biểu tình, Luật về hội, ĐBQH Lê Kim Toàn cho rằng quyền biểu tình và quyền lập hội đã được hiến pháp ghi nhận nhưng để cụ thể hóa nó thành luật là cả một quá trình, đặc biệt đối với thực tiễn nước ta hiện nay. Về vấn đề môi trường sau sự cố Formsa, tỉnh ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về vấn đề môi trường, trong đó tỉnh sẽ không đánh đổi môi trường để phát triển, phát triển nhưng đảm bảo yếu tố về con người. Về đổi mới chương trình giáo dục, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nên Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ, chuẩn bị thật kỹ rồi mới tiến hành. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Lê Kim Toàn còn trả lời một số kiến nghị về vốn tại doanh nghiệp nhà nước, vấn đề nợ xấu…Những vấn đề còn lại, thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Lê Kim Toàn ghi nhận và sẽ phối hợp cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp và trình Quốc hội xem xét, giải quyết.
HỒNG PHÚC