Các đoàn võ thuật giao lưu tại Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI: Kết nối thân tình, thăng hoa chất ngất
Võ sư đoàn Thiên Môn Đạo (Hà Nội) biểu diễn khí công công phu tại buổi giao lưu. Ảnh: VĂN LƯU
1.
Từ sáng sớm, võ sinh của võ đường Lê Xuân Cảnh đã tập trung đông đủ và háo hức chào đón 12 đoàn võ thuật đến từ các tỉnh và nước bạn. Ba đoàn võ thuật quốc tế gây ấn tượng bởi nhiều tiết mục đặc sắc. Võ sinh của võ đường Tiểu long đường (Pháp) nhận về nhiều tràng pháo tay với Pháp thần quyền, Thanh long độc kiếm... và màn biểu diễn đối kháng.
Võ sư Stephane Lesoil (45 tuổi), trưởng đoàn Tiểu long đường cho biết, võ đường được ông thành lập cách đây 17 năm. Đam mê võ thuật, từng học Judo, Karate, ông “bén duyên” với võ cổ truyền Việt Nam từ khi gặp gỡ một vị võ sư người Việt tại Pháp. Sau đó, ông Stephane tìm về Việt Nam và học võ cổ truyền từ võ sư Hà Thị Yến Oanh (TP Hồ Chí Minh). “Lần đầu tiên tham gia liên hoan võ tại Bình Định, chúng tôi rất ấn tượng với quy mô và màn biểu diễn của các đoàn bạn”, võ sư Stephane Lesoil chia sẻ.
Võ sinh của võ đường Tiểu long đường (Pháp) gây ấn tượng với màn biểu diễn đối kháng. Ảnh chụp tại điểm giao lưu võ đường Lê Xuân Cảnh. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
2.
Đã nhiều lần được đón đoàn giao lưu trong khuôn khổ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam nên không có gì lạ khi sáng sớm 3.8, võ đường Phan Thọ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) đã nhộn nhịp người dân địa phương từ cụ già đến trẻ em tập trung chờ xem 10 đoàn võ thuật trong nước và quốc tế giao lưu, biểu diễn.
Các đoàn trong nước và quốc tế về dự giao lưu đã đem đến những tiết mục đặc sắc, phần nào thể hiện được tinh hoa của các môn phái. Đặc biệt, Đoàn Văn Lang Võ Đạo (Morocco) tạo ấn tượng qua chương trình biểu diễn được dàn dựng khá bài bản, biểu diễn quyền, binh khí đa dạng. Anh Dumama Bernoussi, võ sinh Văn Lang Võ Đạo, chia sẻ: “Tôi đã được bố dẫn theo luyện tập võ cổ truyền Việt Nam từ khi mới 5 tuổi, đến nay đã được 11 năm. Thấy hai bố con luyện tập, mẹ tôi cũng thử đến với võ cổ truyền rồi cũng bị cuốn hút gắn bó đến nay được 5 năm. Gia đình tôi cảm thấy tuyệt vời khi được cùng về biểu diễn tại vùng đất võ Bình Định. Qua các tiết mục biểu diễn giao lưu, chúng tôi được thưởng thức, học hỏi những bài võ hay của võ cổ truyền Bình Định và các môn phái khác”.
Màn song đấu của đoàn Việt Nam Sa Long Cương - Ý. Ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG
3.
Tịnh xá Ngọc Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) được chọn là nơi giao lưu võ thuật giữa võ đường Phi Long Vịnh và 12 đoàn khách trong nước và quốc tế.
Có đoàn “binh lực” khá đông đảo, như Bình Thuận (32 thành viên), Bình Thái Đạo Bình Định (30 thành viên), Trung tâm Huấn luyện Võ Bình Định cho trẻ em cơ nhỡ và khuyết tật TP Hồ Chí Minh (24 thành viên)… nhưng cũng có đoàn chỉ vỏn vẹn 1 người, như đoàn Minh Long Võ Đạo - Maroc và Minh Long Võ Đạo - Bồ Đào Nha. Có người mới lần đầu tham gia, có người trở đi trở lại nhiều lần, nhưng có hề chi, tất cả đều nhiệt tình tham gia vào không khí giao lưu võ thuật đầy sôi động. Như võ sư Ruggero và HLV Giorgio của đoàn Việt Nam Sa Long Cương - Ý, tham gia cả 6 lần tổ chức của Liên hoan, nhưng vẫn cảm giác được “lên sàn đấu” vẫn như lần đầu!
Dấu ấn đậm nét của buổi giao lưu là sự xuất hiện của các tài năng nhí. Nhìn Hồ Công Thành (đoàn Bình Thuận) cương nghị, dứt khoát và mạnh mẽ với 2 bài quyền “Chấp thủ” và “Huyền đô”, chẳng ai nghĩ em mới 11 tuổi. Trong khi đó, bé Trâm Anh (đoàn Bình Định Sa Long Cương - Ý) lại được nhiều người trầm trồ với nét đáng yêu khi biểu diễn bài quyền “Thần đồng”…
Song, đáng chú ý nhất trong buổi giao lưu là sự hiện diện đầy ấn tượng của các võ sinh đặc biệt đến từ Trung tâm Huấn luyện Võ Bình Định cho trẻ em cơ nhỡ và khuyết tật TP Hồ Chí Minh.
Các võ sinh khuyết tật đã thể hiện đầy cố gắng các tiết mục song diễn “Đoản đao”, độc diễn “Độc mác phi long”, “Thuyết kiếm”, “Đoản phủ”… Ngồi trên xe lăn, Quang Ân vẫn toát lên được thần thái với bài “Nhất quyền đao”. Nguyễn Minh Phúc - chàng trai chỉ còn mấy ngón tay trên bàn tay phải đã thể hiện mạnh mẽ 2 bài “Độc mác phi long” và “Đoản phủ” trong tiếng vỗ tay đầy thán phục.
4.
Liên hoan năm nay CLB võ thuật chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) đón tiếp 14 đoàn võ thuật trong, ngoài nước đến giao lưu và biểu diễn. Các đoàn đến với buổi giao lưu gồm: Tinh Võ Đạo - Nga, Hiệp hội Quyền thuật Pháp, Việt Võ Đạo Italia, Việt Võ Đạo Bồ Đào Nha, Võ Tây Sơn - Bình Định - Marocco, Thiếu Lâm Long Phi - Mỹ, môn phái Thiếu Lâm Long Phi - Bình Dương, Tây Sơn Ngọc Điệp, Hà Trọng Ngự TP Hồ Chí Minh, hội võ Thiên Môn Đạo Hà Nội, 4 đoàn võ cổ truyền của 4 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng và Hưng Yên.
Sau tiết mục đồng diễn roi do võ sinh chùa Long Phước biểu diễn mở màn chương trình, trong khoảng 10 phút tiếp quản sân diễn, đoàn Thiên Môn Đạo Hà Nội đã khiến khán giả vỗ tay tán thưởng không ngớt, phấn khích, thậm chí thót tim vì những màn biểu diễn khí công của mình. Những màn biểu diễn ly kỳ vừa kịch tính, gay cấn vừa có tác dụng như những tiết mục hoạt náo, khiến không khí thưởng thức võ thuật thêm phần vui vẻ, hào hứng.
Đến dự Liên hoan đã 5 lần và năm nay, với sự hưng phấn của mình, đoàn võ của môn phái Tây Sơn Ngọc Điệp (tại tỉnh Bình Dương) cho thấy họ phát triển rất mạnh mẽ. Với môn sinh Tây Sơn Ngọc Điệp, tham gia Liên hoan võ tại Bình Định cũng là cách họ về nhà, về nguồn. “Sư tổ của môn phái chúng tôi - võ sư Trọng Đãi - là người gốc Tuy Phước, Bình Định. Chúng tôi rất vinh dự được góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam, Liên hoan là dịp tốt để chúng tôi được làm quen, gặp gỡ, hiểu hơn, trau dồi chuyên môn về võ với nhiều đoàn võ trong, ngoài nước có chung tình yêu và sở nguyện bảo tồn, phát triển võ cổ truyền của dân tộc. Liên hoan còn tổ chức, chúng tôi còn trở về” - Huấn luyện viên Kim Sơn Tĩnh, người đã có 25 năm theo nghiệp võ, môn phái Tây Sơn Ngọc Điệp chia sẻ.
Nhiều võ sư, võ sinh từng có cơ hội gặp mặt trực tiếp lão võ sư Phan Thọ, hoặc nghe danh của vị võ sư “cây cao bóng cả” quá cố của đất võ Bình Ðịnh. Vì vậy, khi lên nhận quà lưu niệm, họ đã bày tỏ niềm xúc động khi cầm trên tay chiếc đĩa đá in hình đại võ sư Phan Thọ đang biểu diễn đầy thần thái một thế võ. Võ sư Phan Ðức, con trai võ sư Phan Thọ, tâm sự: “Kỳ liên hoan lần trước ba tôi vẫn còn vui vẻ đón tiếp các đoàn về giao lưu, đến lần này thì ông đã đi xa. Nhằm bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ, tri ân, các thế hệ học trò, con cháu chúng tôi ở các võ đường huyện Tây Sơn đã về đông đủ để tham gia giao lưu!”. |
Lần đầu tiên với võ đường Thành Sô
Dù đã được “trưng dụng” thêm phần diện tích con đường bê tông trước nhà để làm chỗ ngồi cho võ sinh các đoàn và bà con trong vùng, nhưng võ đường Thành Sô (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) vẫn “quá tải” trong lần đầu tiên tham gia giao lưu, biểu diễn trong khuôn khổ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - Bình Ðịnh 2016. Sự quá tải đáng yêu này khiến gương mặt của lão võ sư tuổi ngoại thất thập Thành Sô rạng rỡ vui tươi.
Thành viên môn phái Bình Định gia tại Hà Nội biểu diễn bài quyền Ba chân hổ. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Các đoàn võ thuật trong nước đến giao lưu tại võ đường Thành Sô gồm: môn phái Bình Ðịnh gia tại Hà Nội, đoàn võ thuật cổ truyền tỉnh Ðắk Lắk, môn phái Thiếu lâm Trung Sơn tỉnh Hải Dương.
Phần lễ diễn ra khá ngắn gọn nhưng không kém phần trang trọng, với nghi thức dâng hương lên bàn thờ tổ của võ đường. Sau đó, chương trình giao lưu bắt đầu với hàng chục tiết mục biểu diễn võ thuật đặc sắc.
Các thành viên của môn phái Bình Ðịnh gia tại Hà Nội trình diễn nhiều bài quyền khá ấn tượng như: Túy quyền, Ba chân hổ… Ðoàn võ thuật cổ truyền Ðắk Lắk gây thích thú bằng nhiều võ sinh nhí, nhận được sự tán thưởng từ khán giả bằng những động tác khá dễ thương. Môn phái Thiếu lâm Trung Sơn tỉnh Hải Dương lại thể hiện những bài biểu diễn với binh khí khá đa dạng. Có sự chuẩn bị kỹ về chuyên môn, các võ sư, HLV, võ sinh của võ đường Thành Sô cũng để lại nhiều ấn tượng bằng những bài đặc trưng của môn phái như: Song đũa, Ðoản côn hắc cẩu…
Võ sư Bùi Công Phương, phụ trách chuyên môn môn phái Bình Ðịnh gia tại Hà Nội, cho biết: “Hiện môn phái Bình Ðịnh gia đang phát triển rất mạnh ở phía Bắc, với hàng chục ngàn võ sinh theo tập. Riêng ở Hà Nội hiện có gần 100 võ đường Bình Ðịnh gia. Hầu hết thành viên của môn phái đều đang có công việc ổn định hoặc là học sinh, nhưng tất cả đều coi đây là ngôi nhà chung và đang cùng nhau vun đắp để môn phái ngày một phát triển”.
Võ sư Thành Sô chia sẻ: “Cả đời gắn bó với võ, hơn 40 năm đứng đầu võ đường, chưa bao giờ tôi vui như hôm nay. Năm ngoái võ đường đoạt cúp vô địch đối kháng Giải võ cổ truyền các võ đường toàn tỉnh - tranh cúp Hoàng đế Quang Trung, giờ được chọn là một trong 5 điểm giao lưu võ thuật ở Liên hoan. Rất mong sau này sẽ còn nhiều dịp để gặp gỡ, trao đổi chuyên môn võ thuật với các đoàn để vốn võ học mở mang thêm”.
Nguồn: Báo Bình Định Online