A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Bình Định: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm tốt ASXH

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975-31/3/2015), phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng về những đổi thay trên quê hương của anh hùng áo vải Tây Sơn: Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Đã tròn 40 năm Bình Định được giải phóng, xin Chủ tịch đánh giá khái quát những thành tựu mà Bình Bịnh đã đạt được trong chặng đường vừa qua?

Ông Hồ Quốc Dũng: Từ sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng đến nay, trước những khó khăn và thử thách mới trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước, Đảng bộ, quân và dân Bình Định đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh.

Đặc biệt trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, tình hình đất nước và tỉnh nhà có nhiều khó khăn, thử thách, thiên tai, bão lụt liên tiếp xảy ra, các thế lực thù địch không ngừng chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định đã cùng chung sức, chung lòng, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy những tiềm năng và nội lực thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy cùng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thu được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện.

Đáng chú ý là trong 10 năm gần đây, kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt trên 9%/năm, tổng sản phẩm địa phương năm 2014 gấp 2,5 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản phát triển toàn diện với năng suất, sản lượng cao; công nghiệp đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình; dịch vụ ngày càng khởi sắc.

Tính riêng trong năm 2014, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 9,34% so với cùng kỳ; trong đó các ngành: Nông, lâm, thủy sản tăng 7,06%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,78%; dịch vụ tăng 10,01%. Tỉnh đã tập trung thực hiện một số dự án lớn như: Khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn; Dự án Khu du lịch tâm linh Linh Phong; Dự án Long Vân-Long Mỹ; đặc biệt là Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu tại Khu Kinh tế Nhơn Hội.

Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng mở rộng Cảng hàng không Phù Cát theo hướng phát triển thành sân bay quốc tế; đầu tư xây dựng hạ tầng Quốc lộ 1D, Quốc lộ 19; Quảng trường tỉnh. Các công trình văn hóa, lịch sử cũng được quan tâm đầu tư như: Bảo tàng Quang Trung, Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của tỉnh; nâng cấp và xây dựng mới các công trình di tích thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: Di tích Núi Chéo (Hoài Ân), Mộ Tổ (An Nhơn)… phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có nhiều khởi sắc. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục phát triển. Giáo dục-đào tạo phát triển khá, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao; các hoạt động văn hóa, thể dục-thể thao, thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình có bước phát triển tích cực.

Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ và chính quyền luôn chú trọng công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực được tôn trọng và phát huy. Lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới được tăng thêm, chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có tiến bộ, quốc phòng, an ninh được củng cố.

Có thể nói, chặng đường 40 năm qua, dù có nhiều khó khăn thử thách khốc liệt, nhưng quân và dân Bình Định đã đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lao động không mệt mõi và đầy sáng tạo, từng bước làm thay da dổi thịt trên quê hương của anh hùng áo vải Tây Sơn: Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Ghi nhận những thành tựu xuất sắc của Đảng bộ và nhân dân Bình Định đạt được, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt vừa qua Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhân dân và cán bộ tỉnh Bình Định.

Ông có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 của tỉnh Bình Định?

Ông Hồ Quốc Dũng: Trong năm 2015, đất nước ta kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trọng đại và cũng là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2010-2015, thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2015 có ý nghĩa quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ của kế hoạch đã đề ra, đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn sắp tới.

Năm 2015 cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XIX và chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sẽ không ngừng tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

Trước mắt, Bình Định tập trung mọi nỗ lực phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước; ra sức phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tích cực thu hút đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án lớn sớm triển khai trên địa bàn tỉnh.

Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội, chăm lo các gia đình chính sách, giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tạo tiền đề cần thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Phấn đấu hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Những ưu tiên phát triển kinh tế mũi nhọn của Bình Định trong những năm tới là gì, thưa ông?

Ông Hồ Quốc Dũng: Cùng với các ưu tiên phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn nói trên, để phát triển đồng bộ, toàn diện và bền vững, trong 5 năm tới Bình Định sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau.

Một là, tích cực huy động và cân đối các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Vốn ngân sách tỉnh, các nguồn vốn trong nhân dân, vốn của các doanh nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, vốn của các bộ, ngành đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tạo sự thông thoáng về quản lý hành chính để thu hút đầu tư. Tăng cường huy động mọi nguồn lực để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Hai là, phát triển hài hòa các vùng đô thị và nông thôn. Phát huy thế mạnh của từng vùng; tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các vùng trong phát triển, từng bước giảm bớt chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống của dân cư giữa các vùng. Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn.

Ba là, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và liên kết, hợp tác phát triển, tăng cường xã hội hoá các hoạt động công ích và dịch vụ công, đầu tư kinh doanh hạ tầng kinh tế-xã hội và các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Chăm lo phát triển kinh tế tập thể; tiếp tục đổi mới hoạt động của các hợp tác xã; tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, chú trọng phát triển các thành phần kinh tế đi đôi với giải quyết tốt vấn đề công bằng xã hội.

Bốn là, tiếp tục chăm lo phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ, văn hoá, thông tin-truyền thông, thể dục thể thao. Chú trọng đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, công nghệ, doanh nhân, công nhân; chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án lớn đã và đang triển khai.

Năm là, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo những người và gia đình có công, trợ giúp các đối tượng xã hội, tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội.

Sáu là, tăng cường quốc phòng-an ninh, xây dựng củng cố chính quyền các cấp vững mạnh, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xây dựng tỉnh nhà sớm cất cánh tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. 

Được biết, cùng với cả nước, Bình Định đã nỗ lực không ngừng trong công tác Đền ơn đáp nghĩa. Bình Định có những hoạt động trọng tâm nào trong công tác "hàn gắn vết thương chiến tranh", thưa ông?

Ông Hồ Quốc Dũng: Kết thúc hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tỉnh Bình Định có trên 160.000 đối tượng chính sách, trong đó có trên 30.000 liệt sĩ, trên 26.000 thương binh, gần 2.000 bệnh binh, trên 4.200 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 300 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 3.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, trên 27.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, trên 25.000 người có công giúp đỡ cách mạng, trên 2.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam…

Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quy Nhơn (31/3/1975-31/3/2015) và 40 năm giải phóng tỉnh Bình Định, trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã phát động phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn của tỉnh. Đồng thời triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động như: Chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công, chương trình xây dựng “Quỹ đền ơn, đáp nghĩa”, hoạt động tặng sổ tiết kiệm. Các chương trình, hoạt động của tỉnh được sự ủng hộ tích cực của nhân dân, của cơ quan đơn vị và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kết quả cụ thể như sau:

Trong 2 năm 2013-2014 ngân sách Nhà nước đã bố trí 58,1 tỷ đồng để triển khai xây mới nhà ở cho 1.078 hộ; sửa chữa 749 nhà cho đối tượng người có công, bên cạnh đó vận động các tổ chức kinh tế-xã hội trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng 1.801 nhà ở cho đối tượng người có công với tổng kinh phí xây dựng trên 62 tỷ đồng; sửa chữa nhà ở cho 588 hộ với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng.

Tỉnh cùng các địa phương và các ngành hết sức quan tâm đến đời sống của thương, bệnh binh, đặc biệt là thương binh nặng, thương binh bị đau yếu, bệnh tật, thương binh bị vết thương tái phát đều được tổ chức điều trị, điều dưỡng chu đáo. Hằng năm các cấp chính quyền địa phương, các hội đoàn thể đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên, tặng quà đối tượng thương, bệnh binh và người có công.

Hầu hết các gia đình thương binh, bệnh binh đều có mức sống ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa phương.

Phong trào vận động đóng góp quỹ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” tương đối đa dạng, phong phú. Tính từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh đã vận động hơn 18 tỷ đồng, được sử dụng để tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ; hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng; thăm hỏi, hỗ trợ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi ốm đau và khi qua đời.

Tuyên truyền vận động cá nhân, các cơ quan đơn vị, đoàn thể tổ chức kinh tế-xã hội hưởng ứng việc tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho đối tượng có công. Đến nay đã huy động được 524 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền gần 416 triệu đồng.

Chúng tôi luôn ý thức việc chăm lo các đối tượng chính sách không chỉ là tấm lòng, trách nhiệm và nghĩa vụ mà đó còn là nhân tố để nuôi dưỡng tinh thần cách mạng, tạo nên sức mạnh cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

     Theo Lê Minh Hùng/chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật