|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đã kiểm soát được các ổ dịch cúm gia cầm

Trước tình hình xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm (DCGC) tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm khống chế dịch bệnh, hạn chế lây lan ra diện rộng. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, quanh vấn đề này.

Nhiều hộ dân ở xã Phước Hòa (Tuy Phước) đã tiêm vắc-xin phòng chống DCGC cho đàn vịt và tăng khẩu phần thức ăn để tăng sức đề kháng cho vịt.


Xin ông cho biết về tình hình DCGC trên địa bàn tỉnh cũng như công tác phòng, chống dịch?

- Từ ngày 15.1 đến ngày 15.2, DCGC đã xuất hiện tại 3 hộ chăn nuôi gà và vịt tại các xã: Phước Hiệp (Tuy Phước), Tây Vinh (Tây Sơn), Cát Sơn (Phù Cát). Sau khi xử lý và khống chế được 3 ổ dịch nói trên, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y tiếp tục lấy mẫu gia cầm tại các địa phương đưa đi xét nghiệm, nhằm kiểm tra, xác định dịch bệnh, phục vụ cho công tác phòng, chống dịch được tốt hơn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn gia cầm của 10 hộ dân ở các huyện: Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn dương tính với vi-rút cúm A (H5N1).

Trước tình hình này, ngành chức năng đã tiến hành khoanh vùng, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và lập thủ tục tiêu hủy toàn bộ gia cầm (10.000 con) của các hộ nói trên theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, tổ chức khoanh vùng, tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm và phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi của các hộ chung quanh.

Trước Tết Nguyên đán, lực lượng thú y đã hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng chống DCGC cho 500 ngàn con gia cầm tại các địa phương có nguy cơ tái phát dịch cao. Từ ngày 10.2 đến 28.2, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức phát động ra quân tiêm phòng DCGC trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả có gần 4 triệu con gia cầm được tiêm vắc-xin DCGC, đạt 100% tổng đàn trong diện tiêm.

Ngày 24.2, tiếp tục phát động ra quân phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi và tại các chợ có mua bán, giết mổ gia cầm. Hiện công tác này đang được các địa phương triển khai trên diện rộng. Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Thú y phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn để kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác phòng, chống dịch; chủ động chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị, vật tư hóa chất sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương ứng phó khi dịch xảy ra.

Đáng chú ý là các mẫu xét nghiệm gia cầm của các hộ chăn nuôi ở chung quanh các ổ dịch đều cho kết quả âm tính với vi-rút cúm A (H5N1). Điều đó cho thấy, tỉnh ta đang khống chế tốt DCGC.

Kết quả giám sát lưu hành vi-rút cúm gia cầm tại các chợ, lò giết mổ động vật tại một số địa phương cho thấy tỉ lệ mẫu dương tính vi-rút cúm A (H5N1) vẫn ở mức cao. Vậy giải pháp để giám sát tình hình mua bán, giết mổ gia cầm tại các chợ, hạn chế vi-rút phát tán là gì?

- Chúng tôi đã thành lập 3 đoàn công tác tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán gia cầm tại 9 chợ có bán gia cầm và 1 lò mổ gia cầm; phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng và chọn 1 điểm trong chợ để các hộ mua bán, giết mổ gia cầm hành nghề, nhằm quản lý, giám sát được tốt hơn. Tiếp tục lấy mẫu gia cầm tại các chợ để kiểm tra, xét nghiệm, xác định sự tồn tại và mức độ lưu hành của vi-rút cúm A (H5N1). Hướng dẫn các hộ hành nghề thực hiện nghiêm túc quy trình giết mổ và xử lý nước thải, chất thải; khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng gia cầm đã được cơ quan chức năng kiểm dịch thú y, nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Thực tế cho thấy, nhiều hộ chăn nuôi đã vứt xác gia cầm ra môi trường, có hộ chôn lấp gia cầm không đúng quy trình, rất dễ làm cho dịch bệnh lây lan. Phải chăng việc giám sát dịch bệnh, hỗ trợ hướng dẫn người chăn nuôi về biện pháp xử lý gia cầm bị chết ở cơ sở còn nhiều hạn chế?

- Đúng là có rất nhiều hộ chăn nuôi không báo cáo với lực lượng thú y và chính quyền địa phương về số lượng gia cầm thả nuôi, có hộ không cho cán bộ thú y tiếp cận với chuồng trại chăn nuôi. Khi gia cầm bị nhiễm bệnh, nhiều hộ không báo với lực lượng thú y ở cơ sở mà tự ý chôn lấp hoặc vứt xác gia cầm ra môi trường. Lực lượng thú y biết thông tin, đến lập biên bản xác nhận gia cầm bị bệnh hoặc bị chết để tiêu hủy theo đúng quy trình thì người chăn nuôi lại khai báo số lượng gia cầm vượt quá số gia cầm hiện hữu rất nhiều. Do vậy, việc kiểm tra, giám sát đàn gia cầm và tình hình dịch bệnh cũng như việc xử lý gia cầm bị bệnh, nhất là đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn.

Chúng tôi đã lưu ý đến vấn đề này và chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra, giám sát đàn gia cầm và tình hình dịch bệnh ở cơ sở, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nếu phát hiện gia cầm có triệu chứng khác thường, báo ngay cho lực lượng thú y và chính quyền địa phương để được hỗ trợ xử lý kịp thời. Trường hợp cán bộ thú y lơ là trong công tác phòng, chống dịch, chúng tôi sẽ xử lý ngay.

Còn việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có đàn gia cầm bị dịch bệnh đã  tiêu hủy được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiêt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định của Nhà nước là việc làm hết sức cần thiết; định mức hỗ trợ được áp dụng theo Quyết định số 11/2013 của UBND tỉnh. Đối tượng được hỗ trợ là những hộ chăn nuôi khi phát hiện gia cầm có triệu chứng dịch bệnh hoặc bị dịch bệnh, có báo cáo với lực lượng thú y, chính quyền địa phương để thực hiện tiêu hủy. Trường hợp người chăn nuôi tự chôn lấp, tiêu hủy, nhưng có sự giám sát của chính quyền và lực lượng thú y cũng được hỗ trợ.

Nếu hộ chăn nuôi không báo cáo với ngành chức năng và chính quyền địa phương mà tự ý vứt xác gia cầm chết xuống kênh mương, sông suối gây ô nhiễm môi trường, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, sẽ không được hỗ trợ. Hiện chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương xác định cụ thể đối tượng và số lượng gia cầm trong diện hỗ trợ để hỗ trợ cho người chăn nuôi.


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật