A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn vùng đầm Thị Nại: Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện

Dự án Nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đầm Thị Nại (gọi tắt là Dự án Nâng cấp đê khu Ðông - DA NCÐKÐ) được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 787/QĐ-CTUBND ngày 1.4.2013 với tổng mức đầu tư 304 tỉ đồng, gồm vốn hỗ trợ của Trung ương 238 tỉ đồng, vốn địa phương 66 tỉ đồng. Thời gian thực hiện DA từ năm 2013 đến 2015.

Thi công nâng cấp một đoạn đê Đông trên địa bàn phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). Ảnh: N.HÂN


Mục tiêu là củng cố, nâng cấp 24,6 km đê khu Đông và các công trình trên đê để tiêu úng, thoát lũ cho 30.542 ha; ngăn mặn, giữ ngọt cho 9.097 ha đất sản xuất nông nghiệp (trong đó có 1.247 ha nuôi trồng thủy sản). Đồng thời, bảo vệ an toàn cho 147.342 nhân khẩu sống ven đê Đông của 6 xã, phường gồm: thị trấn Tuy Phước và các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận (huyện Tuy Phước); phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn).

DA NCĐKĐ với các hạng mục chính gồm sửa chữa, nâng cấp đê và công trình trên đê kết hợp đường giao thông và cứu hộ cứu nạn trong mùa mưa lũ vùng cửa sông Côn, Hà Thanh và vùng ven đầm Thị Nại. Tiến hành sửa chữa, nâng cấp 13 tràn qua đê và 37 cống tiêu thoát lũ. Trồng mới, chăm sóc và bảo vệ khoảng 302 ha rừng ngập mặn tại khu vực cửa sông.

Theo phân kỳ đầu tư của DA được UBND tỉnh phê duyệt, trong năm 2013 nâng cấp khoảng 3,5 km đê trên địa bàn phường Nhơn Bình và 4,5 km đê trên địa bàn xã Phước Thuận; trồng mới và chăm sóc 36,3 ha rừng ngập mặn. Năm 2014, nâng cấp 4,3 km đê ở phường Nhơn Bình, 3,7 km đê ở xã Phước Thuận, 1,5 km đê ở xã Phước Sơn; trồng mới và chăm sóc 66,7 ha rừng ngập mặn tập trung và 35 ha rừng ngập mặn phân tán. Năm 2015, nâng cấp khoảng 3,1 km đê ở xã Phước Sơn, 4,2 km đê ở xã Phước Hòa, trồng mới và chăm sóc 67 ha rừng ngập mặn tập trung.

Ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc BQL DA Thủy lợi, cho biết: DA NCĐKĐ là công trình thủy lợi rất quan trọng của tỉnh ta, có vốn đầu tư khá lớn. Để triển khai DA đảm bảo tiến độ, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức các bước triển khai khá chặt chẽ. Đến nay, đã hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật nổ; đánh giá tác động môi trường; hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng hạng mục đê phường Nhơn Bình, đê xã Phước Thuận giai đoạn 1. Từ cuối tháng 6.2013 đến nay, 8 gói thầu xây lắp nâng cấp đê trên địa bàn phường Nhơn Bình và xã Phước Thuận với tổng giá trị gần 96,5 tỉ đồng đã được triển khai thi công. Các gói thầu còn lại cũng được chuẩn bị triển khai.

Trong năm 2013, Trung ương và tỉnh bố trí vốn cho DA NCĐKĐ là 47 tỉ đồng, trong đó có 5 tỉ đồng trồng rừng ngập mặn. Đến thời điểm này, các nhà thầu đã thi công với khối lượng đạt giá trị hơn 20 tỉ đồng, đã giải ngân được gần 10 tỉ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, các đơn vị thi công hoàn thành các gói thầu đã triển khai, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao; đồng thời hoàn thành việc thiết kế và trồng mới 36,3 ha rừng ngập mặn ven đê Đông.

Ông Lê Xuân Sơn cho biết thêm: Sau khi hoàn thành khối lượng công việc trong năm nay, đơn vị đang xây dựng kế hoạch triển khai trong năm 2014 để trình UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương phê duyệt.

Các hạng mục và khối lượng công việc dự kiến thực hiện trong năm tới gồm thi công hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng các gói thầu xây lắp đê Nhơn Bình, đê Phước Thuận giai đoạn 1. Hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp đê trên địa bàn xã Phước Sơn, Phước Hòa (giai đoạn 2). Hoàn thành công tác trồng mới và chăm sóc 36,3 ha rừng ngập mặn (giai đoạn 1), triển khai trồng mới 66,7 ha rừng tập trung và 35 ha rừng phân tán (giai đoạn 2). Nhu cầu vốn để triển khai DA dự kiến khoảng 158,5 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương 145,5 tỉ đồng, vốn địa phương 13 tỉ đồng.

Hiện nay, do tỉnh ta đang bước vào mùa mưa lũ, Sở NN-PTNT, BQL DA thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thi công của các nhà thầu tại hiện trường, yêu cầu các nhà thầu triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Riêng những vị trí thi công xung yếu, thường xuyên bị sạt lở do mưa lũ gây ra, ngành chức năng đã yêu cầu các đơn vị thi công phải ưu tiên thực hiện trước, đảm bảo vượt lũ an toàn cho công trình. Đối với công tác trồng rừng ngập mặn, hoàn thành việc thiết kế trồng rừng, tổ chức hợp đồng mua cây giống để triển khai trồng rừng đạt kế hoạch đề ra.

 

Theo baobinhdinh.com.vn



Tin nổi bật Tin nổi bật