A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giám đốc TTDBKTTVTƯ: Sức gió giảm nhưng phạm vi bão mở rộng

Chiều 9-11, ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho biết việc dự báo hướng đi của bão số 14 (Haiyan) có sự điều chỉnh liên tục.

Dự báo đường đi của bão HaiYan (chiều 9/11) sẽ chếnh lên phía bắc, không hướng thẳng vào miền Trung mà đi dọc theo bờ biển, sau đó suy yếu.

 

Bão đi men bờ biển miền Trung ra Bắc

Ông Tăng cho biết bão đi qua Philippines vào biển Đông sức gió còn ở cấp 14, giật cấp 17. Sau khi vào biển Đông đến trưa 9-11 bão mạnh trở lại sức gió mạnh cấp 15, giật cấp 17. Đến chiều 9-11 dự báo bão đã có sự thay đổi về điểm tâm bão tiếp cận đất liền.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khi tượng thủy văn trung ương, chiều và đêm 9-11 bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc và tiếp cận bờ biển Quảng Ngãi đến Đà Nẵng vào sáng sớm 10-11.

Tiếp đó bão đổi sang hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, tâm bão có khả năng không vào bờ biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi như nhận định trước đó mà đi men biển Đà Nẵng đến Quảng Trị trong sáng và trưa 10-11. Từ trưa chiều 10-11, khi tâm bão đến ven biển Quảng Bình - Hà Tĩnh - Nghệ An thì tâm bão liếm dần vào bờ biển Quảng Bình. Một phần tâm bão đi trên bờ, một phần đi trên biển khi tiếp cận Quảng Bình, đến Hà Tĩnh - Nghệ An tâm bão thật sự nằm trên bờ. Sau đó bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp khi di chuyển lên miền Bắc.

Như vậy, theo ông Tăng, so với dự báo từ ngày 7 và 8-11 thì đến nay đã có sự khác nhau: bão sẽ không đổ bộ vuông góc trực tiếp vào bờ biển miền Trung (Đà Nẵng đến Quảng Ngãi) như nhận định ban đầu mà chỉ men theo bờ biển đi chệch lên phía Bắc nhiều hơn.

“Bão di chuyển ven biển dọc lên phía Bắc thì tâm bão đi sát bờ bị ma sát mặt đất nhiều sẽ giảm cấp gió. Vùng biển nam vịnh Bắc bộ có nhiệt độ thấp hơn ở biển Đông nên điều kiện bão giữ được cường độ mạnh sẽ ít hơn. Kèm theo đó bão di chuyển quãng đường dài hơn nên đó là điều kiện để bão suy yếu. Vì vậy khi tâm bão liếm vào bờ thì cường độ giảm đi 1-2 cấp so với hiện tại”, ông Tăng dự báo.

Theo ông Tăng, dù tránh được cấp gió hủy diệt nhưng phạm vi bão sẽ mở rộng ra phía Bắc, có thể ra tới Quảng Ninh vẫn cảm nhận được gió bão. Tóm lại là phạm vi ảnh hưởng của bão mở rộng ra dù sức gió giảm đi.

Dự báo các cấp gió

“Bão giảm cấp nhưng cường độ bão vẫn rất mạnh, chỉ không mạnh như ban đầu. Dự báo là từ Phú Yên đến hết miền Bắc đều cảm nhận được gió bão từ cấp 6 trở lên. Riêng các tỉnh gần tâm bão, tâm bão đổ bộ cường độ bão tương đương, có thể lớn hơn so với bão số 10, 11 vừa qua ở miền Trung” - ông Tăng cho biết thêm.

Nếu bão đi sát biển lên phía Bắc thì sức gió được nhận định là: Phú Yên có gió cấp 6-7; Bình Định gió cấp 6-7, giật 8-10; Quảng Nam - Quảng Ngãi gió cấp 7-8, giật cấp 9-10, riêng đảo Lý Sơn gió cấp 9-10, giật cấp 11-12; TP Đà Nẵng đến Huế gió bão mạnh cấp 9-11, giật cấp 12-13; Quảng Trị đến Hà Tĩnh gió bão mạnh cấp 10-13, giật cấp 14-15; Nghệ An - Thanh Hóa gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12; các tỉnh ven biển miền Bắc gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Từ Phú Yên đến Quảng Ngãi sẽ là nơi ghi nhận gió mạnh sớm nhất từ đêm nay 9-11. Từ Quảng Nam đến Bắc bộ thời gian xảy ra gió mạnh muộn hơn. Do bão di chuyển lên phía Bắc nên thời gian ảnh hưởng của bão đến nước ta kéo dài hơn. Từ đêm 9-11 đến hết đêm 10-11 thì ven biển miền Bắc mới hết ảnh hưởng của gió bão.

Về mưa, dự báo từ chiều tối 9-11 từ Phú Yên đến Thừa Thiên - Huế mưa to, sau đó lan ra phía Bắc. Chiều và tối 10-11 Bắc bộ có mưa và mưa ở đây kết thúc muộn nhất. Đợt mưa kéo dài khoảng 2 ngày, nơi ít khoảng 100mm, nơi nhiều 400-500mm. Bắc bộ, nhất là biển và Đông Bắc bộ, có mưa hàng trăm milimet dễ gây ngập úng.

Ông Tăng cho biết nhận định về cơn bão được các cơ quan khí tượng quốc tế điều chỉnh liên tục. Cơ quan dự báo của Mỹ từng nhận định bão vào giữa Huế và Đà Nẵng, rồi giữa Huế và Đông Hà, rồi Quảng Ngãi nhưng đến chiều 9-11 xác định bão đổ bộ vào Thanh Hóa.

Bão rất phức tạp

Về tên gọi bão số 14, ông Tăng cho biết: áp thấp nhiệt đới vừa rồi nhiều nước nhận định nhiều khả năng thành bão (bão thường - cấp 8-9) nên trong công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ đều gọi là bão 13. Để người dân khỏi nhầm lẫn nên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đề nghị đặt tên bão Haiyan là số 14.

 

“Trong cơn bão này cũng có những sự khác nhau về cấp gió. Các cơ quan dự báo khẳng định bão Haiyan nằm ở thang độ báo bão lớn nhất là cấp 17 (theo thang Beaufort) và theo thang độ báo bão của Mỹ cũng là cấp lớn nhất, tức là cấp V, sức gió tương đương 220 km/giờ. Nhưng với bão Haiyan đã tính đến sức gió 260- 280 km/giờ. Có phương tiện truyền thông quốc tế đưa số đo 315km/giờ. Điều này cho thấy việc đưa ra số đo cũng phức tạp, mỗi số liệu đo từng nước cũng có sự khác nhau. Điều này cho thấy sự phức tạp của cơn bão”.

Tuy chưa thể khẳng định chắc chắn vị trí tâm bão cập bờ nhưng ông Tăng cho rằng việc bão lệch dần lên phía Bắc khi sát bờ là phương án đỡ xấu hơn là đi thẳng vào miền Trung. Với hướng di chuyển này sẽ có nhiều hi vọng bão suy giảm cường độ. “Nếu tới Quảng Bình bão còn mạnh cấp 12 đầu cấp 13, đến Hà Tĩnh Nghệ An giảm thêm 1-2 cấp, đến Thanh Hóa giảm 1-2 cấp” - ông Tăng nhận định.

 

Theo tuoitre.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật