Đưa cầu cảng của Tân Cảng Quy Nhơn đi vào hoạt động
Ảnh minh họa.
Đây là cầu cảng đầu tiên của Công ty cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn, phục vụ tàu có trọng tải 37.500 tấn, đặc biệt là các tàu vận chuyển container.
Cầu cảng dài 220 m, được xây dựng cạnh cầu cảng 50.000 tấn của Cảng Quy Nhơn (Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn), với kinh phí 200 tỷ đồng. Ông Phúc cho biết, cầu cảng này được xây dựng nhằm giảm tải cho Cảng Quy Nhơn đã quá tải từ mấy năm qua. Sau khi chính thức được đưa vào khai thác (31-10), cầu cảng đã liên tục tiếp nhận tàu xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa.
Chiều tối ngày 4-11, tàu Green Pegasus của hãng hàng hải hàng đầu Nhật Bản Hachiuma Steemship (lấy quốc tịch Panama) đã làm hàng xong tại Cảng Quy Nhơn. Đây là chuyến hải trình đầu tiên của Green Pegasus khi mới được hạ thủy trong tháng 10 này. Điều này chứng tỏ, cụm cảng biển Quy Nhơn ngày càng trở thành cửa khẩu quan trọng đối với nhiều hãng hàng hải quốc tế để xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Ông Phúc cho biết, năng lực của Cảng Quy Nhơn đã được nâng cấp vượt bậc, việc đưa vào vận hành cầu cảng 50.000 tấn (năm 2012) cùng các thiết bị hiện đại đã giúp các hãng vận tải giảm thiểu chi phí kho vận 11 USD cho mỗi tấn hàng hóa càng giúp Cảng Quy Nhơn trở thành điểm lựa chọn tốt của nhiều hãng vận tải biến lớn trên thế giới.
Từ đầu năm 2013 đến nay, Cảng Quy Nhơn đã đón 1.047 lượt tàu, trong đó có 529 lượt tàu nước ngoài, cập cảng, thông quan 5,757 triệu tấn hàng hóa, tăng 16,6% so cùng kỳ năm 2012. Dự kiến đến cuối năm nay, sản lượng hàng hóa thông quan qua Cảng Quy Nhơn sẽ vượt con số 6,3 triệu tấn.
Do lượng hàng hóa thông qua cảng lớn như vậy, nên Cảng Quy Nhơn đã quá tải. Năm 2008, Công ty cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn được thành lập; Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (trước đây là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) nắm giữ 18% cổ phần (vốn điều lệ 107 tỷ đồng).
Theo quy hoạch của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải, Cảng Quy Nhơn được quy hoạch đến năm 2015 mới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 tấn, sản lượng hàng hóa thông quan tối đa 3,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ, sản lượng hàng hóa thông quan qua Cảng Quy Nhơn liên tục tăng mạnh, vượt xa con số 3,5 triệu tấn/năm. Hiện tại, Công ty Tân Cảng Quy Nhơn đã quy hoạch khu vực kho bãi rộng 7,5 ha nhưng chưa có điều kiện xây dựng; các hoạt động dịch vụ xếp dỡ, kho bãi đều thuê lại của Cảng Quy Nhơn.
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn, bên cạnh phát triển Tân Cảng Quy Nhơn, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cũng đã thực hiện định hướng phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trình các bộ, ngành. Theo đó, sẽ tiếp tục phát triển thêm 16 ha về phía Bắc theo dọc đầm Thị Nại. Khi đó, Cảng Quy Nhơn cùng Tân Cảng Quy Nhơn sẽ là cụm cảng hàng hải quan trọng phục vụ trung chuyển hàng hóa cho các nước trong khu vực.
Nhờ vị trí thuận lợi, cụm cảng Quy Nhơn hiện đã có 3 cảng biển, gồm 2 cảng thương mại là Cảng Quy Nhơn và Tân Cảng Quy Nhơn cùng với Tân Cảng miền Trung (là cảng quốc phòng), nằm sát tuyến vận chuyển hàng hải trên biển đông, là cửa ngõ ra biển đông của cả vùng Tây Nguyên, hạ Lào, Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan, nên nhu cầu hàng hóa thông qua cụm cảng biển này sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới và Quy Nhơn sẽ trở thành điểm trung chuyển quan trọng của khu vực trong tương lai không xa./.
Theo baohaiquan.vn