|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Hôm nay (ngày 5.11), Quốc hội dành trọn 1 ngày thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung vào một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 4.11(Ảnh: VOV)


Theo chương trình làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại Tổ.

Các đại biểu cũng thảo luận Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ (trong các ngày 22-23.10), đa số các đại biểu nhận định: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu, nhân dân, đồng thời khẳng định rõ nét hơn quan điểm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến khác nhau về một số nội dung quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là những quy định về thu hồi đất của nhân dân để thực hiện các dự án phát triển KT-XH. Hiến pháp cần quy định rõ, thu hồi đất đáp ứng lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

Về tổ chức chính quyền địa phương, nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần làm rõ hơn nữa mô hình chính quyền địa phương, nhất là cần quy định rõ chính quyền địa phương có mấy cấp cũng như nguyên tắc tự chủ tự trong phạm vi và thẩm quyền được phân cấp…

Phiên thảo luận của Quốc hội sẽ được phát thanh truyền hình trực tiếp.

Theo Quy hoạch tổng thể, đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phân kỳ thực hiện Dự án theo 3 giai đoạn đầu tư như sau: Giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007): Đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Cho phép một số điểm kiên cố hóa khó khăn hoàn thành trong năm 2008.

Giai đoạn 2 (từ năm 2007 - 2010): Đầu tư để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô hai làn xe.

Giai đoạn 3 (từ năm 2010 - 2020): Hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn, tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn, trong đó lưu ý kết nối với quy hoạch hệ thống đường sắt, đường ngang và các quy hoạch khác có liên quan.

 

* Trước đó, chiều 4.11, các đại biểu thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3.12.2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trước đây, mục tiêu đặt ra là hoàn thành giai đoạn 2 - nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2010. Từ 2010 -2020 là giai đoạn nâng cấp đường Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc; những đoạn không thể nâng cấp thì mở rộng mặt cắt ngang phù hợp với quy hoạch giao thông đường bộ.

Theo đại diện Chính phủ, việc đầu tư nâng cấp hai phần ba tuyến đường Hồ Chí Minh (khoảng 1.764 km) đạt tiêu chuẩn cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 300.000 tỷ đồng theo yêu cầu của Quốc hội vào năm 2020 là không thể thực hiện được, do không đảm bảo được nguồn lực đầu tư cũng như nhu cầu vận tải trong giai đoạn hiện nay ở nhiều đoạn là chưa thực sự cần thiết. Chính vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho giãn tiến độ triển khai giai đoạn cao tốc về sau năm 2020.

Các đại biểu nhấn mạnh, chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh là đúng đắn và cần thiết. Đường Hồ Chí Minh sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Tây; khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết vùng; bảo đảm an ninh quốc phòng, phát huy tác dụng khi xảy ra bão lũ, nối vùng biển với vùng dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc đề xuất cần phát huy hết công suất của đường Hồ Chí Minh để tránh lãng phí. Khi đặt đường Hồ Chí Minh với các công trình giao thông quan trọng khác như quốc lộ 1A mở rộng, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, đường sắt thì việc khai thác con đường này cũng phải được xem xét kỹ càng, tránh lãng phí.

Theo đại biểu Ngô Văn Dụ, để đánh giá hiệu quả đường Hồ Chí Minh cần đặt trong quy hoạch tổng thể, cả trước mắt và lâu dài. Ông Ngô Văn Dụ cho rằng, việc tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 là cần thiết, song cần cân đối hài hòa với các tuyến giao thông quốc gia khác, theo đó có những ưu tiên đầu tư cho những dự án cần thiết, như đường ven biển, đường tuần tra biên giới. Đường Hồ Chí Minh là dự án không dễ huy động vốn, do đó cần có những tuyến ưu tiên làm trước, có tuyến để lại sau.

Ông Ngô Văn Dụ đề nghị trong giai đoạn 3 đến năm 2020, khi điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, cần cụ thể hóa trong từng năm một, xây dựng những tuyến nào cần nêu rõ; sau đó sẽ đẩy nhanh tiến độ khi điều kiện kinh tế thuận lợi hơn.

Theo đại biểu Võ Kim Cự, Quốc hội nên thông qua đề án vùng, ưu tiên nguồn vốn cho những địa phương, vùng trọng điểm trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh cho phù hợp. Không nhất thiết xây dựng cả tuyến Bắc – Nam có quy mô như nhau.

 

Theo Chinhphu.vn, VOV online


Tin nổi bật Tin nổi bật