Chia sẻ cùng nông dân lúc khó khăn
Ảnh minh họa-Nông dân Bình Định thu hoạch mía.
Trước tình hình lượng đường tồn đọng trên thị trường nội địa còn nhiều, việc tiêu thụ đường trong năm nay chắc chắn sẽ gặp khó khăn lớn. Trong khi đó, lượng tiền mặt cho vay của các ngân hàng đang thắt lại rất chặt nên bước vào niên vụ sản xuất mới, những người có trách nhiệm ở Công ty Cổ phần đường Bình Định xác định phía trước là cả chặng đường đầy thách thức.
Tuy nhiên, để sẻ chia khó khăn với nông dân, giá thu mua mía trong niên vụ này vẫn được Nhà máy đường Bình Định áp dụng mức cao hơn giá bảo hiểm theo hợp đồng (750.000đ/tấn); theo đó giá mía thu mua tại ruộng sẽ từ 850.000đ - 900.000đ/tấn.
Trong niên vụ này, giá cước vận chuyển cũng sẽ tăng 5% để khuyến khích nông dân tự trang bị xe tải chủ động vận chuyển mía, đó cũng là cách kích thích các nhà xe tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân trong thời điểm thu hoạch mía rộ.
“Trong niên vụ này, công ty sẽ có nhiều cải cách trong công tác điều động xe vận chuyển mía. Trong hoạt động này sẽ có những quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh tình trạng nhà xe gây phiền hà cho nông dân. Theo dự báo thời tiết, Bình Định tiếp tục bị khô hạn và mưa muộn, mưa sẽ xảy ra đúng thời điểm mía thu hoạch rộ.
Do đó, trong thời điểm khô ráo nông dân sẽ tranh thủ thu hoạch đồng loạt, tạo áp lực cho khâu vận chuyển nên chúng tôi sẽ làm chặt chẽ để vừa ổn định sản xuất, vừa đáp ứng được nhu cầu của nông dân”, ông Phan Lâm Tường, Phó TGĐ Công ty Cổ phần đường Bình Định, cho biết.
Nhà máy đường Bình Định hiện có vùng nguyên liệu 6.000 ha tại thị xã An Khê (Gia Lai) và 2.700 ha tại Bình Định. Diện tích mía nguyên liệu kể trên đủ đáp ứng cho nhà máy sản xuất suốt vụ. Tuy nhiên, mới bước vào niên vụ sản xuất mới thì đã lâm ngay tình trạng các nhà máy đường “láng giềng” tranh mua trên vùng nguyên liệu do Công ty Cổ phần đường Bình Định đầu tư.
Thêm vào đó, năm nay nông dân sẽ để lại mía giống nhiều nhằm thay thế các giống mía đã thoái hóa như R579, R570…và cũng là để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất khi nhà máy nâng công suất từ 3.500 tấn lên 5.500 tấn/ngày. Hiện người trồng mía ở Bình Định đã được tiếp cận với các giống mía mới, cho năng suất cao trên 100 tấn/ha, chữ đường trên 10 CCS như: VN84, 4137, K88-65, K88-92, K95-156, S7…
Dù gặp khó khăn về nguồn vốn, nhưng chính sách đầu tư trồng mới để mở rộng vùng nguyên liệu trong niên vụ tới vẫn được Công ty Cổ phần đường Bình Định áp dụng mức 20 triệu đồng/ha. Phó TGĐ Công ty Cổ phần đường Bình Định, ông Phan Lâm Tường cho biết thêm: “Khi nhà máy nâng công suất lên 5.500 tấn/ngày thì chúng tôi sẽ phải cần đến 700.000 tấn mía cây/năm. Do đó, để đáp ứng sản xuất, trong năm tới chúng tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu tại Gia Lai thêm 9.000 ha và tại Bình Định 4.000 ha.
Hiện nay, vùng nguyên liệu của nhà máy đã có một số vùng mía trồng giống VN 844137 đã chín sớm, đang thu hoạch, chữ đường đạt gần 11 CCS. Chúng tôi sẽ phát triển mạnh giống mía này để giảm áp lực trong thời điểm thu hoạch cho năm sau”.
Thực tế cho thấy, mặc dù cây mía cho thu nhập không cao so với loại cây trồng đang cạnh tranh trực tiếp là cây mì, thế nhưng người trồng mía ở Bình Định vẫn tự tin, vẫn “chung thủy” với cây mía.Ví như anh Nguyễn Văn Đức (45 tuổi) ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (Thị xã An Nhơn), người gắn bó với cây mía suốt nhiều năm qua.
Từ năm 2006 đến nay, anh Đức hoán đổi đất, thuê thêm của bà con trong làng và đấu giá đất 5% của chính quyền địa phương, đến nay anh đã trồng được 11 ha mía liên vùng. Anh đưa các giống mía mới và kỹ thuật trồng mía hàng đôi vào quy trình canh tác nên năng suất cây mía luôn đạt từ 100-140 tấn/ha. Mặc dù hiện nay cây mía cho lợi nhuận không cao, nhưng anh Đức vẫn tràn đầy niềm tin.
“Tui trồng mía hàng chục năm nay nên nắm được quy luật thị trường hạ rồi sẽ tăng. Do đó, nếu bây giờ thấy cây mía cho lợi nhận thấp mà bỏ đi, sang trồng cây trồng khác, đến khi giá đường tăng kéo giá mía tăng theo thì có tiếc cũng không kịp”, anh Đức chia sẻ.
“Trong năm 2013, Bình Định đã thực hiện được 3 CĐML sản xuất cây mía tại các huyện Vân Canh, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh với diện tích 117 ha. Vụ đông xuân 2013-2014, ngành nông nghiệp Bình Định sẽ tiếp tục xây dựng 4 CĐML sản xuất cây mía với diện tích 150 ha. Đó là tiền đề để trong những năm tới, Bình Định mở rộng thêm vùng nguyên liệu mía nhằm chủ động nguyên liệu khi nhà máy nâng cao công suất”, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. |
Theo nongnghiep.vn