A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Siêu bão huỷ diệt chưa từng có sắp ập vào miền Trung!

Đó là nhận định của Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ tại cuộc họp trực tuyến chiều 8/11 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bàn biện pháp khẩn cấp ứng phó với siêu bão Haiyan (bão số 14).

Đồng chí Nguyễn Văn Thiện – Bí thư Tỉnh ủy, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Mai Thanh Thắng, Trần Thị Thu Hà chủ trì cuộc họp.

 


Sánh ngang các cơn bão mạnh nhất từng xảy ra trên trái đất!

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ, cho hay đây là cơn bão thứ 31 hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Vị trí hình thành ban đầu ở vĩ độ rất thấp, khoảng 5 - 60 Bắc, 147 - 1480 Đông và ở tận giữa Thái Bình Dương. Bão này di chuyển rất nhanh, tốc độ trung bình 30 - 35km/h, cường độ mạnh lên nhanh, từ thời điểm bão mới hình thành là cấp 8 lên tới cấp cuối của mức cảnh báo bão là cấp 17 - cấp độ mạnh nhất trong bảng cấp gió quy định của quốc tế - chỉ trong vòng 2 ngày.

Phạm vi bán kính ảnh hưởng của bão Haiyan rất rộng, từ cấp 6 trở lên tới 400 - 500km. Vị trí tâm bão lúc 13h chiều 8/11 ở vào khoảng 11,40 Bắc - 122,50 Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất cấp 16 - 17, giật trên cấp 17. Dự kiến khoảng chiều tối 8/11, bão sẽ vượt qua các đảo miền Trung Philippines, vào biển Đông và trở thành cơn bão số 14. Sau đó sẽ tiếp tục di chuyển qua biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Do cường độ bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng nên ngay từ chiều 8/11, khu vực phía Đông biển Đông đã có gió bão mạnh dần lên cấp 9, cấp 11, sau đó tăng lên cấp 13 - 14; vùng gần tâm bão đi qua cấp 16 - 17, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội. Khi vào biển Đông, bão Haiyan vẫn tiếp tục di chuyển rất nhanh với tốc độ trung bình 30km/h.

"Theo rà soát của chúng tôi thì đây là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử các cơn bão từng vào biển Đông. Cơn bão này có thể sánh ngang với các cơn bão mạnh nhất trên trái đất từ trước đến nay như bão Andreiw, bão Katrina từng đổ bộ vào Hoa Kỳ, hay bão Narip đổ bộ vào Myanmar... Và có khả năng nó sẽ trở thành cơn bão có cường độ mạnh nhất trong lịch sử đổ bộ vào đất liền nước ta!" - ông Bùi Minh Tăng nhấn mạnh.

Sáng sớm 10/11, bão sẽ đổ bộ từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế

Ông cho hay, vùng biển đặc biệt nguy hiểm trên biển Đông là khu vực giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sức gió mạnh nhất đật cấp 15 đến cấp 17, giật trên cấp 17 từ nay cho đến khi bão cập bờ. Từ trưa và chiều 9/11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung bộ có gió mạnh cấp 8 đến cấp 10, sau tăng lên cấp 12 đến cấp 14; vùng gần tâm bão đi qua cấp 16 - 17, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội, sóng biển ngập trời!

 

Dự báo xác xuất bão Haiyan (bão Hải Âu theo tiếng Trung Quốc) đổ bộ (Ảnh: HC)


Từ đêm 9/11, vùng biển ven bờ các tỉnh Trung bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 10, sau tăng lên cấp 12 -13; vùng gần tâm bão đi qua cấp 14 đến cấp 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội. Khu vực vịnh Bắc bộ từ đêm 9/11 có gió mạnh dần lên cấp 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11.

Về thời gian dự kiến bão Haiyan đổ bộ, ông Bùi Minh Tăng cho hay, vùng tâm bão tiếp cận khu vực đất liền sớm nhất ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế. Sau đó bão sẽ đổi hướng đi lên phía Bắc và sẽ quét qua các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Bình.

"Thời gian bão đổ bộ dự kiến sớm nhất từ 4h cho đến 10h sáng ngày 10/11. Sau đó bão có khả năng đi dọc theo ven biển các tỉnh Quảng Trị cho đến Nghệ An, nên vùng tâm bão ảnh hưởng đến các khu vực này từ khoảng 7h sáng cho đến 13 - 14h chiều 10/11" - Ông Bùi Minh Tăng cho hay. 

Về các tỉnh dự kiến có cấp gió mạnh, theo ông Bùi Minh Tăng, các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình sẽ có gió mạnh từ cấp 12 đến cấp 14, thậm chí có thể đến đầu cấp 15, giật cấp 16 - 17. Đặc biệt, trên các đảo ven bờ, các đảo ở ngoài khơi như Lý Sơn... có thể sóng đánh rất sâu vào đất liền. "Theo nhận định của chúng tôi thì chắc là các ngôi nhà trên các đảo này, kể cả ở ven bờ và sâu trong đảo đều không thể chịu được" - ông Bùi Minh Tăng nói.

Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên tuy không nằm trong vùng tâm bão nhưng do phạm vi bão rất rộng và mạnh nên cũng có gió mạnh từ cấp 8 đến cấp 12, giật cấp 13 - 14.

"Với sự di chuyển và phạm vi ảnh hưởng của bão Haiyan như vậy, theo ý kiến của chúng tôi, mọi sự chuẩn bị ở trên bờ phải hoàn thành trước tối 9/11. Đến khoảng 9 - 10h tối thì mọi công tác chuẩn bị trên bờ phải hoàn thành. Từ nửa đêm thì trên bờ đã có gió mạnh rồi!" - ông Bùi Minh Tăng nói.

Về tình hình mưa, ông Bùi Minh Tăng cho hay, từ chiều 9/11, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên sẽ bắt đầu có mưa to đến rất to. Sau đó vùng mưa to sẽ lan dần ra các tỉnh Bắc Trung bộ rồi Bắc bộ. Từ đêm 10/11, ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ cũng có mưa to đến rất to, và mưa ở miền Bắc có thể kéo dài đến ngày 12, thậm chí một số nơi có thể kéo dài đến ngày 13/11.

"Tính chung trong đợt mưa do ảnh hưởng của bão Haiyan, lượng mưa ở các tỉnh Trung bộ từ Phú Yên trở ra đến Thanh Hoá, các tỉnh Bắc Tây Nguyên như Đăk Lăk, Kin Tum, Gia Lai và kể cả các tỉnh ở vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ sẽ có lượng mưa lớn, nơi ít thì từ 200mm, một số nơi có lượng mưa tới 500 - 600mm" - ông Bùi Minh Tăng nói.

Về sóng và nước dâng trong bão, theo ông Bùi Minh Tăng, khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 4 - 6m, sóng biển từ 5 - 8m, và vùng gần tâm bão thì sóng có thể cao trên 10m. Ở các tỉnh khác chịu ảnh hưởng của gió thì mức độ sóng và nước dâng có thể thấp hơn.

Về dự báo tình hình thuỷ văn, theo ông Bùi Minh Tăng, hiện mực nước các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hoà và Tây Nguyên đang ở mức khá cao, nhiều nơi từ báo động 1 đến báo động 2, có nơi còn trên báo động 2 như Thừa Thiên - Huế, từ Phú Yên đến Bắc Khánh Hoà do ảnh hưởng của cơn bão số 12 và 13 vừa qua. 

Phần lớn các hồ chứa từ Thanh Hoá đến Phú Yên đã tích đầy, có những hồ đang xả lũ như ở Thừa Thiên - Huế, Tây Nguyên và hồ Sông Ba Hạ. Theo dự báo, sẽ có mưa lớn từ Thanh Hoá đến Phú Yên nên từ đêm 9/11 lũ sẽ lên nhanh trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, sau đó đến các sông từ Quảng Trị đến Thanh Hoá. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông từ Thanh Hoá đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có khả năng đạt từ báo động 2 đến báo động 3. Nhiều sông trên báo động 3, tập trung chủ yếu từ Hà Tĩnh đến Phú Yên.

Cơn bão có sức huỷ diệt lớn nhất từ trước đến nay đổ vào nước ta

Ông Bùi Minh Tăng nhấn mạnh: "Đây là cơn bão có sức huỷ diệt lớn nhất từ trước đến nay đổ bộ vào nước ta. Trong lịch sử, ở nước ta đã chịu ảnh hưởng nhiều cơn bão mạnh nhưng chỉ đến cấp 12 - 13, chưa bao giờ có cơn bão trên cấp 13. Nhưng nay thì bão Haiyan là lên đến cấp độ 5 (theo thang báo bão của Mỹ) là cấp lớn nhất về sức huỷ diệt. Chúng ta chưa có kinh nghiệm, trải nghiệm về sức huỷ diệt của những cơn bão như thế này. Chúng tôi sưu tầm đánh giá về mức huỷ diệt của những cơn bão với cường độ mạnh nhất có thể, theo mô tả của các nơi đã trải nghiệm như thế này:

Đối với người, gia súc và vật nuôi có nguy cơ rất cao bị thương hoặc tử vong do mảnh vỡ rơi hoặc bay xuống, ngay cả khi trong nhà cấp 4 hoặc nhà khung. Có thể phá huỷ gần như hoàn toàn tất cả các nhà cấp 4 bất kể đã xây dựng bao nhiêu lâu, kết cấu tốt như thế nào. Một tỉ lệ cao các khung nhà sắt hoặc khung bê tông, chủ yếu là các xí nghiệp, nhà máy, công xưởng sẽ bị phá huỷ với toàn bộ mái và tường sập đổ; phá huỷ mái nhà, cửa sổ và cửa ra vào.

Số lượng lớn các mảnh vỡ do gió bay lên trong không khí cũng sẽ rất nguy hiểm vì có tốc độ như tên bắn. Các mảnh vỡ do gió cuốn sẽ xảy ra ở hầu hết các cửa sổ không được bảo vệ cũng như nhiều cửa sổ được bảo vệ yếu. Nếu không có các thanh gỗ chằn chống ở bên ngoài thì có thể bật hết các cửa sổ.

Thiệt hại đáng kể cho mái nhà của các toà nhà lớn do mất sự che chắn, sụp đổ hoàn toàn nhiều toà nhà khung kim loại lớn có thể xảy ra. Bức tường gạch không có cốt thép có thể bị sập, dẫn đến sự sập đổ toàn bộ toà nhà. Một tỉ lệ cao các toà nhà trong khu công nghiệp, các nhà cấp 3, cấp 4 sẽ bị phá huỷ. Hầu như tất cả các cửa sổ bị thổi bay và va vào các toà nhà cao tầng, dẫn đến vỡ kính, gió thổi bật và gây đổ toà nhà.

Gần như tất cả biển quảng cáo, hàng rào, panô, áp phích bị phá huỷ. Gần như tất cả các cây sẽ gãy hoặc bật gốc, cột điện bị đổ. Cây đổ, cột điện đổ sẽ cô lập các khu dân cư. Mất điện sẽ kéo dài hàng tuần, liên lạc đình trệ, giao thông bị chia cắt và gián đoạn có thể xảy ra cả tháng. Tình trạng thiếu nước lâu dài sẽ làm tăng khốn khó cho người dân. Phần lớn diện tích nhà sẽ không thể ở được trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng!

Chúng tôi sẽ tăng thời lượng dự báo về cơn bão này, mỗi tiếng 1 lần, dự kiến là từ chiều hoặc nửa đêm này 9/11, khi bão gần bờ. Cơn bão Haiyan là hiện tượng chưa từng xảy ra ở nước ta. Chúng tôi thấy rằng trong trường hợp này, chúng ta có thể xem xét và cụ thể là có công bố tình trạng khẩn cấp đối với vùng bão có thể đổ bộ".

 

Theo infonet.vn




Tin nổi bật Tin nổi bật