A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao lưu trực tuyến về “Chính sách người có công với cách mạng”

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 6/10, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách người có công với cách mạng” nhằm giải đáp những vướng mắc của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Mừng và Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Đình Hòa đồng chủ trì buổi giao lưu.

  Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Mừng (trái) và Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Đình Hòa đồng chủ trì buổi giao lưu.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến: 

Lê Tuyết - 14:43, 03/10/2017
Bố đẻ của tôi là bệnh binh hạng 2/3, đã chết năm 2002. Nhà ở của gia đình tôi được xây dựng từ năm 1980 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 1/2017, mẹ của tôi đã đến UBND xã N, huyện Phù Mỹ để hỏi về chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, nhưng được cán bộ xã trả lời, việc hỗ trợ nhà ở chỉ áp dụng đối với người có công với cách mạng còn sống, xin cơ quan có thẩm quyền giải đáp rõ về vấn đề này?
Ông Trần Hạ Giang - Phó Trưởng phòng Người có công - 08:17, 06/10/2017

Tại khoản 1, điều 1 Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng chính phủ quy định: “Hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình mà người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở đó trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (tức ngày 15/6/2013)”.
Tuy nhiên, bố bạn chết năm 2002, như vậy thời điểm bố của bạn chết trước khi Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng chính phủ có hiệu lực. Do đó, hộ gia đình của bạn không thuộc diện được xem xét hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013.
Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi./.

Lê Thị Nhàn - 09:20, 05/10/2017
Cha tôi mất năm 1972 nhưng mãi đến năm 2011 mới được nhà nước công nhận liệt sĩ. Tôi có được nhận chế độ từ 1972 của cha tôi không?

Bà Bùi Thị Bích Hạnh - Chuyên viên phòng Người có công - 08:12, 06/10/2017

Trường hợp cha của ông mất năm 1972 nhưng đến năm 2011 mới được công nhận liệt sĩ được thực hiện theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 như sau:
Tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 quy định.
1. Trợ cấp tiền tuất hàng tháng kể từ ngày liệt sĩ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.
2. Trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử.
Trường hợp liệt sĩ không có hoặc không còn thân nhân quy định tại Điều 5 Nghị định này thì một trong những người thừa kế theo quy định của pháp luật giữ Bằng “Tổ quốc ghi công” được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử.
Vậy, trường hợp của ông được nhận chế độ trợ cấp từ ngày được Thủ tướng tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi.

Nguyễn Thị Lệ, 38 tuổi - 14:34, 03/10/2017
Mẹ tôi tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày 8 năm tại Côn Đảo. Vừa qua chính phủ có chính sách hỗ trợ hàng tháng đối với đối tượng này. Khi đến liên hệ tại Phòng LĐTB&XH huyện thì cán bộ ở đây sau khi xem thẻ thương binh của mẹ tôi thì trả lời mẹ tôi không được hưởng chính sách này vì mẹ tôi đang hưởng chế độ thương binh. Vậy cho tôi hỏi như vậy có đúng không và việc này được quy định tại văn bản nào. Tôi chân thành cảm ơn!

Ông Trần Văn Thiêm - Ông Trần Văn Thiêm – Chuyên viên phòng Người có công - 08:10, 06/10/2017
Ngày 15/5/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, trường hợp người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến có hoặc không có vết thương thực thể đã giải quyết chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh nếu có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 thì vẫn được xem xét, giải quyết thêm chế độ trợ cấp tù đày hàng tháng./.
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi!

Nguyễn Ngọc Thụ - 14:41, 03/10/2017
Tôi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia từ năm 1977-1982, bị thương, đã được cấp giấy chứng nhận thương tật nhưng sau đó tôi làm mất. Tháng 9/2015, đã hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận thương binh gửi Ban Chỉ huy quân sự huyện nhưng đến nay vẫn chưa được khám giám định thương tật?
Ông Nguyễn Đức Thắng - Phó Trưởng phòng PT phòng Người có công - 08:08, 06/10/2017
Căn cứ Điều 28 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm lập hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận bị thương và Giấy chứng nhận thương binh, Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh. Theo đó trường hợp của ông là quân nhân bị thương đề nghị ông liên hệ Ban Chỉ huy quân sự huyện hoặc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để được trả lời cụ thể./.

Quang cảnh giao lưu trực tuyến.

Hoàng Anh Tú, 35 tuổi, anhtu1204bd@gmail.com - 14:33, 03/10/2017
Trong quá trình hoạt động cách mạng cha tôi đã bị địch bắt tù đày. Trong quá trình công tác ở lý lịch đảng viên và lý lịch cán bộ ông có thể hiện thời gian bị tù nhưng không ghi nơi bị tù. Trường hợp này cha tôi có được giải quyết trợ cấp hàng tháng bị địch bắt tù đày không?

Ông Trần Văn Thiêm - Ông Trần Văn Thiêm – Chuyên viên phòng Người có công - 08:05, 06/10/2017
Điều 46 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 quy định hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày gồm: Giấy tờ chứng minh có tham gia cách mạng hoặc kháng chiến và thời gian, địa điểm bị tù, đày …. Trường hợp của bà ở lý lịch đảng viên và lý lịch cán bộ có thể hiện thời gian bị tù nhưng không ghi nơi bị tù thì không được xem xét, giải quyết trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày./.

Đinh Văn Công - 14:36, 03/10/2017
Xin quý cơ quan cho biết, tôi tham gia cách mạng từ năm 1949 - 1975, bị địch bắt tù, đày từ tháng 7/1954-12/1955, được tặng Kỷ niệm chương, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày, hưởng chế độ chính sách như thương binh. Vậy, ngoài chế độ đang hưởng, tôi có được hưởng thêm chế độ bị địch bắt tù, đày không? Nếu được cần những thủ tục gì?

Ông Trần Văn Thiêm - Ông Trần Văn Thiêm – Chuyên viên phòng Người có công - 08:41, 06/10/2017
Căn cứ Điều 33 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 và Điều 9 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thủ tục hồ sơ đề nghị hưởng chế độ đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày thì trường hợp của ông nếu có một trong các giấy tờ thể hiện thời gian và nơi bị địch bắt tù, đày như: Lý lịch cán bộ, lý lịch Đảng viên, lý lịch quân nhân, lý lịch công an nhân dân (lập từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở về trước); hồ sơ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội; hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích tham gia kháng chiến; Bản sao giấy tờ, tài liệu khác có giá trị pháp lý lập từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở về trước; xác nhận của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về thời gian tù và nơi bị tù. Trường họp ông nếu có 1 trong các giấy tờ quy định trên thì vẫn được xem xét giải quyết chế độ Người HĐCM, HĐKC bị địch bắt tù, đày.
Xin cảm ơn câu hỏi của ông!

Hoàng Văn Nam - 08:01, 06/10/2017
Bố tôi sinh năm 1939, tham gia kháng chiến từ năm 1969-1975, bị thương và được cấp giấy chứng nhận thương binh nhưng do bị cháy mà chưa có điều kiện xin cấp lại. Nay bố tôi tuổi cao sức yếu, 3 lần bị tai biến chưa được hưởng bất cứ chế độ gì, nay muốn được cấp lại chứng nhận thương binh. Xin cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn gia đình tôi về thủ tục.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Phó Trưởng phòng PT phòng Người có công - 08:38, 06/10/2017
Tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định cấp giấy chứng nhận bị thương:
a) Người bị thương là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên;
b) Người bị thương là công an nhân dân, công nhân viên công an nhân dân do Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên;
c) Người bị thương thuộc cơ quan trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương;
d) Người bị thương thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Người bị thương thuộc cơ quan cấp huyện hoặc cấp xã và các trường hợp đóng trên địa bàn không thuộc quy định tại Điểm a, b, c, d Khoản này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Theo đơn, ông không trình bày cụ thể bố ông đã tham qia quân đội, công an hay các đối tượng khác nên chưa có thể trả lời cụ thể cho ông được. Đối chiếu với quy định trên đề nghị ông tham khảo quy định nêu trên hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi ông cứ trú để được hướng dẫn cụ thể./.
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi.

Cán bộ tham gia giao lưu trả lời câu hỏi.

Lê Thế Anh - 14:38, 03/10/2017
Ông tôi tên là Lê Tấn Sinh, sinh năm 1924, được công nhận là người có công với cách mạng. Năm 2000, ông tôi được tặng Huân chương kháng chiến, Kỷ niệm chương chiến sĩ bị địch bắt, tù đày. Ông tôi mất năm 2015. Vậy ông tôi có được hưởng chế độ nào không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?

Ông Trần Văn Thiêm - Ông Trần Văn Thiêm – Chuyên viên phòng Người có công - 08:32, 06/10/2017
Trường hợp ông của Bạn được tặng Huân chương kháng chiến, Kỷ niệm chương chiến sĩ bị địch bắt, tù đày năm 2000. Nhưng đến năm 2015 ông đã từ trần mà chưa được giải quyết các chế độ theo quy định. Căn cứ theo quy định Điều 12, Thông Tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH, ngày 30/7/2014 thì thân nhân người được có công giúp đỡ cách mạnh, người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến đã từ trần mà chưa giải quyết trợ cấp thì thân nhân được xem xét giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần.

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn!

 

 

 


Tin nổi bật Tin nổi bật