Góp ý kiến dự án luật tổ chức Quốc hội: Nên lấy phiếu tín nhiệm ở 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”
Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) có 6 chương, 134 điều, tại Hội nghị các đại biểu đều nhất trí với chủ trương và nội dung điều chỉnh Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Thảo luận về dự thảo Luật, các đại biểu tập trung vào các nội dung: việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cần phải thiết thực và hiệu quả, đồng thời chỉ lấy phiếu ở hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm; không nên quy định thời gian phát biểu cụ thể của ĐBQH là 7 phút như dự thảo đã nêu mà nên phụ thuộc vào nội dung từng cuộc họp; nên nâng cao vai trò và trách nhiệm của ban dân nguyện; cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên và nên thu hút ĐBQH tham gia vào các Ủy ban của Quốc hội; Luật cũng cần phân rõ trách nhiệm của từng bộ phận; cần quy định thời gian có hiệu lực thi hành của văn bản dưới luật.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, việc công dân được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội là một trong những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi lần này nhưng cần phải có các quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu các ý kiến, tổng hợp để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
Theo baobinhdinh.com.vn