Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là tạm dừng
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Chiều 11.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 29 ngày. Dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc ngày 20.5 và bế mạc ngày 24.6.2014, trong đó bố trí Quốc hội làm việc 3/5 ngày thứ Bảy.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cách thức thực hiện các nội dung kỳ họp cơ bản như tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, trong đó tiếp tục bố trí xen kẽ việc trình bày tờ trình, báo cáo với việc thảo luận các nội dung khác để hạn chế các phiên họp Quốc hội chỉ nghe đọc văn bản; truyền hình, phát thanh trực tiếp những nội dung như thông lệ và một số nội dung khác (nếu cần thiết); bố trí khoảng cách hợp lý giữa thảo luận tổ, hội trường và thông qua,…
Về nội dung dự kiến, Báo cáo của Văn phòng Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Hộ tịch và Trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự thảo Nghị quyết về: Việc xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015; Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
2 nội dung được đề nghị rút ra khỏi chương trình là việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 7 và Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tổng kết ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là tạm dừng tại kỳ họp thứ 7 để sửa Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội cho chất lượng hơn, đồng bộ hơn, chứ không phải dừng hẳn.
Quốc hội sẽ dành 21 ngày để xem xét, thông qua 10 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 18 dự án luật. Tuy nhiên, với dự án luật như Luật Hộ tịch nếu không đảm bảo về thời gian như quy định, các ý kiến đề nghị không đưa vào trong chương trình tại kỳ họp tới.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước 2012; Thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012”; Xem xét thông qua Nghị quyết về việc xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII; chất vấn và trả lời chất vấn; Xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2015.
Báo cáo của Văn phòng Quốc hội cho rằng, một số kỳ họp trước đây đã thực hiện việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến tại tổ trước khi thảo luận tại hội trường đối với một số nội dung như kinh tế - xã hội, dự án luật cho ý kiến lần đầu. Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, việc giải trình tại hội trường những vấn đề nổi lên qua thảo luận kinh tế - xã hội đã được đánh giá tốt, nên tiếp tục phát huy.
Tại kỳ họp thứ 7, Văn phòng Quốc hội đề nghị áp dụng cách làm này đối với cả các dự án luật trình lần đầu, nếu cần thiết sẽ bố trí đại diện cơ quan soạn thảo giải trình một số vấn đề lớn, quan trọng còn có ý kiến khác nhau tại hội trường.
Tại các kỳ họp vừa qua, việc gửi tài liệu từng bước được cải tiến, đổi mới, nhất là việc gửi tài liệu dưới dạng file điện tử đã tiết kiệm khá nhiều thời gian, kinh phí. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong kỳ họp thứ 7, đề nghị tiếp tục tăng cường việc gửi tài liệu điện tử, giảm hơn nữa việc gửi văn bản giấy.
Theo Ngọc Thành (VOV online)