Tổ chức thi tốt nghiệp 2 ngày rưỡi là hợp lý
Học sinh lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký môn thi tự chọn từ 17.3 đến 17.4.
4 phương án trong dự thảo của Bộ gồm: thi trong 2 ngày, 2,5 ngày, 3 ngày và 4 ngày. Theo đó, hai môn bắt buộc Toán và Ngữ văn - thi tự luận 120 phút, các môn học sinh tự chọn gồm Lý, Hóa, Sinh - thi trắc nghiệm, 60 phút; Sử, Địa - thi tự luận, 90 phút và Ngoại ngữ - gồm cả phần viết luận và trắc nghiệm, 60 phút.
Sở dĩ phương án thi trong 2 ngày rưỡi được nhiều người đồng tình vì giúp giảm căng thẳng cho học sinh và tránh lãng phí. Ông Võ Công Trí, Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn so sánh: “Phương án thi trong 2 ngày khá căng thẳng với những học sinh phải thi liên tiếp 2 môn trong một buổi, còn kéo dài trong 3 hoặc 4 ngày lại không cần thiết. Nên tổ chức thi trong 2 ngày rưỡi, theo đó, bố trí 2 buổi để thi hai môn bắt buộc là Toán và Văn, giúp thí sinh đỡ căng thẳng và có thời gian nghỉ ngơi lấy lại tinh thần, sức khỏe chuẩn bị cho môn thi tiếp theo. 6 môn tự chọn bố trí thi trong 3 buổi, mỗi buổi hai môn. Để hạn chế đến mức thấp nhất số thí sinh phải thi liên tiếp hai môn tự chọn trong một buổi, cần đan xen các môn thi xã hội với các môn tự nhiên”.
Liên quan đến vấn đề giám thị, lãnh đạo nhiều trường THPT - những người có khả năng được bổ nhiệm làm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng coi thi - đã tỏ ra lo lắng về công tác bố trí, sắp xếp giám thị. Ông Trần Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, đặt vấn đề: “Các buổi thi Toán, Văn phải huy động toàn bộ số giáo viên làm giám thị đến trường thi vì có 100% học sinh dự thi. Nhưng với 6 môn tự chọn, số lượng học sinh đăng ký thi có thể dao động từ 10%-60%. Số giám thị coi thi cũng sẽ phải giảm theo. Đa số giám thị sẽ được điều từ các trường khác đến, có khi từ các huyện, phải bố trí, sắp xếp sao để không làm mất thời gian, công sức và cả tiền bạc của họ”. Theo phản ánh gần đây của các phương tiện truyền thông, khả năng môn Lịch sử sẽ có rất ít thí sinh đăng ký dự thi. Một số giáo viên dạy Sử đề xuất, nên sắp xếp môn Sử là môn thi cuối cùng vì số thí sinh ít, chỉ cần giữ lại một số ít giám thị coi thi.
Theo dự kiến, mỗi thí sinh sẽ chỉ có một số báo danh trong suốt kỳ thi. Hai phương án tổ chức thi đã được nhiều giáo viên đặt ra. Một là giữ nguyên số phòng thi, số giám thị trong các buổi thi môn tự chọn (theo cách này thí sinh không phải di chuyển phòng thi làm rối ren trường thi, nhưng lại gây lãng phí vì có khả năng mỗi phòng thi chỉ có vài em). Hai là dồn phòng thi, giảm số giám thị (theo cách này thí sinh phải di chuyển đến phòng thi mới, và chỉ bố trí đúng số giám thị cần thiết cho số phòng thi). Nhưng qua thăm dò, nhiều người vẫn nghiêng về phương án hai là vẫn nên dồn phòng để tránh lãng phí không cần thiết.
Một số giáo viên dạy Văn ở huyện Phù Mỹ cũng tỏ ra không đồng tình với phương án giảm thời gian thi môn Văn xuống còn 120 phút, và cho rằng nên kéo dài 150 phút, để thí sinh có thêm thời gian suy nghĩ, trình bày bài hiệu quả, nhất là khi phải giải quyết những đề thi đòi hỏi hiểu biết xã hội và vận dụng linh hoạt kiến thức đã học, theo xu hướng ra đề thi những năm qua.