HĐND tỉnh giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của Công ty Điện lực Bình Định, Sở TN-MT
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Định, trong năm 2012, đơn vị đã nhận được 39 ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri HĐND tỉnh. Trong đó, các ý kiến, kiến nghị của cử tri xoay quanh các vấn đề: Việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, việc hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn sau khi bàn giao, việc cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau khi tiếp nhận quá chậm; hệ thống lưới điện ở một số khu dân cư xuống cấp, điện áp quá thấp không đủ nguồn điện sinh hoạt; dự án cấp điện các thôn, làng chưa có điện lưới quốc gia thuộc 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) triển khai chậm; ngành điện sớm giải quyết đền bù diện tích đất thổ cư cho người dân khi thực hiện dự án đường dây điện đi qua…
Theo ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, với các ý kiến, kiến nghị của cử tri có liên quan đến đơn vị thì đơn vị đều giải quyết kịp thời, đối với những kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị nhưng trong lĩnh vực ngành điện, Công ty Điện lực Bình Định đều có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan đề nghị có ý kiến trả lời hoặc đề nghị phối hợp giải quyết các ý kiến của cử tri. Ông Việt cho biết: “Một số dự án điện triển khai trên địa bàn tỉnh chậm, nhất là việc đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn là do các địa phương, tổ chức quản lý điện nông thôn chậm bàn giao hoặc không chịu bàn giao; bên cạnh đó một số dự án điện do thiếu nguồn kinh phí và khối lượng thi công lớn nên kéo dài”.
Buổi chiều, Đoàn giám sát tiếp tục làm việc với Sở TN- MT. Trong năm 2012, tổng cộng có 64 ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến môi trường, tài nguyên. Trong đó, nổi cộm nhất là nạn ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp Nhơn Bình (Quy Nhơn), Gò Đá Trắng (thị xã An Nhơn), khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ (Quy Nhơn), nạn khai thác đá granite tại núi Hòn Chà (Quy Nhơn), núi Bà (Phù Cát); tình hình khai thác titan tại huyện Phù Cát, Phù Mỹ; khai thác cát xây dựng tại các huyện Vân Canh, Tuy Phước, Tây Sơn… Cử tri cũng cho rằng việc thanh tra, kiểm tra theo kiểu báo trước như hiện nay không hiệu quả.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, một số ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền chức năng đã được ngành quan tâm, tham mưu đề nghị cho UBND huyện, UBND tỉnh hoặc kiến nghị với Bộ TN-MT để giải quyết. Theo ông Đặng Trung Thành, Phó giám đốc Sở TN-MT, việc xử lý tình trạng ô nhiễm tại các cụm công nghiệp còn gặp khó khăn bởi liên quan đến trách nhiệm của một số ngành khác và chờ chủ trương của UBND tỉnh. Để hạn chế việc khai thác đá, cát bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, Sở kiến nghị tỉnh cần cân nhắc việc cấp giấy phép khai thác mở rộng…
Tuy nhiên, theo nhận định chung của Đoàn giám sát, phần lớn trả lời kiến nghị về môi trường của ngành, nhất là giải pháp khắc phục, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường còn đại khái, qua loa, không đề ra giải pháp khắc phục, xử lý một cách cụ thể và triệt để. Ông Võ Vinh Quang lưu ý: Với trách nhiệm của mình, Sở TN-MT cần tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết xử lý từng vụ việc cụ thể với lộ trình và thời gian cụ thể, không nên để xảy ra tình trạng kiến nghị nào của cử tri cũng hứa xem xét giải quyết, nhưng “hứa rồi lại để đó” khiến cử tri bức xúc, tiếp tục thắc mắc, kiến nghị nhiều lần.
Theo baobinhdinh.com.vn