Triển khai nhiều biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan, bảo vệ dân
Bộ đội và dân quân địa phương dồn cát vào bao giúp dân giằng mái nhà chống bão. Ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN
* Sáng 9.11, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh đã phân công cán bộ xuống các địa phương, cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão, chuẩn bị sơ tán, bảo vệ dân... Đến chiều 9.11, có 67 tàu/521 ngư dân của tỉnh ta còn nằm trong khu vực nguy hiểm của bão Haiyan đã liên lạc được với ngành chức năng. Trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa có 3 tàu/24 người di chuyển về phía Bắc vĩ tuyến 180N; khu vực quần đảo Trường Sa 64 tàu/407 người đã vào các đảo: Song Tử Tây 27 tàu/213 người; Trường Sa Đông 10 tàu/84 người, đảo An Bang 6 tàu/43 người, đảo Phan Vinh, Tốc Tan, Tiên Nữ 21 tàu/157 người đã neo đậu giằng buộc an toàn. Nhóm 273 tàu cá/3.897 người đã sang vùng biển Malaysia tránh bão. Khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.986 tàu/14.376 người làm nghề câu mực, đã vào bờ neo đậu tránh trú an toàn. Khu vực phía Bắc từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh có 183 tàu/1.273 người. Các tàu này đang trên đường chạy vào bờ tránh bão. Ngoài ra, có 4.836 tàu/22.201 người hoạt động khai thác thủy hải sản ven bờ đã về nơi neo đậu trong tỉnh.
* Đến 16 giờ ngày 9.11 các địa phương cũng đã sơ tán được 811 hộ/3.200 người sinh sống ở ven biển đến nơi an toàn. Sở Công Thương đã chuẩn bị xong 178 tấn gạo, 63.500 gói mì, 12.450.000 lít xăng dầu, 15.000 chai nước uống.
* Theo tin từ đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, từ chiều ngày 8.11, toàn bộ tàu thuyền vào neo đậu trong âu thuyền của đảo đã được chằng buộc an toàn. 224 ngư dân thuộc 27 tàu đánh cá của ngư dân Bình Định trú bão trên đảo đã được bố trí nơi ăn, nghỉ chu đáo. Quân y trên đảo đã khám, cấp phát thuốc cho những ngư dân mắc bệnh. Lực lượng quân đội trên đảo đã sẵn sàng các phương án bảo vệ dân an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống do bão gây ra.
* Đại tá Trương Đức Nghĩa, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Sáng 9.11, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai lực lượng về các địa phương để chuẩn bị ứng phó với bão Haiyan. Tại huyện Hoài Nhơn đã triển khai 2 canô và 20 cán bộ; tại huyện Phù Cát và thị xã An Nhơn đã triển khai 20 cán bộ và 100 giáo viên, học viên Trường Quân sự tỉnh để giúp di dời dân tại khu vực Trung Lương (xã Cát Tiến, Phù Cát) và khu vực Đề Gi (xã Cát Khánh, Phù Cát); tại huyện Tây Sơn cử 20 cán bộ để vận động nhân dân chuẩn bị phương án phòng chống bão; tại huyện Tuy Phước, Vân Canh và TP Quy Nhơn cử 20 cán bộ và 150 chiến sĩ để giúp di dời người dân tại xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn); tại xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), Đại đội hỗn hợp Đ30 cũng phối hợp với lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương di dời những hộ dân sống gần mép biển đến nơi an toàn. Ngoài lực lượng huy động từ Sở chỉ huy của Bộ CHQS tỉnh, các địa phương cũng đã chuẩn bị lực lượng tại chỗ với tổng số từ 5.000 - 6.000 quân. Theo kế hoạch đến 19 giờ ngày 9.11.2013, công tác di dời dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn sẽ hoàn tất.
Theo đại tá Trương Đức Nghĩa, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Chi nhánh Bình Định đã điều 2 canô cao tốc cùng phối hợp với các lực lượng của tỉnh để sẵn sàng ứng phó với bão Haiyan.
* Sáng 9.11, Công an tỉnh tổ chức quán triệt nhiệm vụ cho 208 cán bộ chiến sĩ Đội xung kích phòng chống lụt bão được tuyển chọn từ các đơn vị thuộc cơ quan CA tỉnh và cấp phát phương tiện, dụng cụ nhằm đảm bảo phòng chống bão lũ, cứu hộ cứu nạn hiệu quả. Sáng 10.11, lực lượng này ứng trực tại cơ quan CA tỉnh sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Các đơn vị nghiệp vụ, CA huyện thị xã, TP cũng đã kiểm tra công tác đảm bảo phương tiện tại chỗ, triển khai lực lượng phối hợp với ngành chức năng kiểm tra các hồ thủy lợi, bám sát địa bàn, nắm tình hình trong nhân dân, sẵn sàng tham gia di dời nhân dân khỏi vùng nguy hiểm do lụt bão gây ra. Cảnh sát giao thông cũng đã kiểm tra các tuyến đường đảm bảo cho việc thực hiện phương án chống ùn tắc đường do lụt bão; Cảnh sát đường thủy phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão. Cảnh sát kinh tế phối hợp với các cơ quan doanh nghiệp kiểm tra công tác bảo vệ kho tàng…Cùng với việc khẩn trương triển khai phòng chống lụt bão, các đơn vị, CA địa phương cũng đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với bọn tội phạm lợi dụng thời tiết bất ổn để hoạt động phạm pháp.
* Sáng 9.11, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định phối hợp với Cảnh sát đường thủy Bình Định bố trí lực lượng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chốt chặn kêu gọi tất cả các tàu thuyền, hướng dẫn bà con ngư dân vào khu vực neo đậu để tránh bão an toàn. Đồng thời Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các Đồn, Trạm các phòng, ban trực quân số và cử 2 tàu tuần tra, 4 canô và 2 trung đội sẵn sàng trực 24/24 giờ để ứng phó khi có yêu cầu.
* Trước diễn biến phức tạp của siêu bão số 14, TP. Quy Nhơn đã chỉ đạo UBND các phường, xã và các phòng ban, cơ quan, đơn vị thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão; nhằm chủ động ứng phó, phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Đến 16 giờ ngày 9.11 việc di dời, sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở, triều cường, ngập lụt… đến các nơi an toàn đã hoàn tất. Hàng chục hộ dân sống gần núi Bà Hỏa thuộc KV 6, KV 7 và KV 8 phường Lê Hồng Phong đã dời đến nơi an toàn. Chiều 9.11, tại xã Nhơn Hải, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 739 – Bộ CHQS tỉnh phối hợp với lực lượng dân quân địa phương đã tham gia giúp dân ứng phó với bão. Các thành viên Ban chỉ huy PCLB và TKCN, lực lượng tự vệ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ của xã Nhơn Châu phối hợp cùng lực lượng các đơn vị bộ đội đóng chân trên đảo như D30, Đồn Biên phòng Nhơn Châu xuống từng thôn, xóm để tuyên truyền, vận động và tiến hành di dời 32 hộ dân với 129 nhân khẩu ở ven biển có nguy cơ cao về triều cường vào các nơi như trường học, trạm y tế, nhà ở kiên cố để tránh bão.
* Sáng 9.11, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đã triển khai lực lượng tiến hành kiểm tra luồng, khu neo đậu, tàu và các phương tiện trong khu vực Cảng Quy Nhơn nhằm ứng phó kịp thời với siêu bão Haiyan. Tính đến 9 giờ sáng cùng ngày, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đã hướng dẫn cho tất cả 40 phương tiện đến các khu vực neo đậu an toàn. Trong đó, các tàu có trọng tải từ 3.000 DWT trở xuống được bố trí neo đậu tại khu vực neo trong đầm Thị Nại; các tàu có trọng tải từ 3.000 DWT trở lên được yêu cầu di chuyển đến neo đậu tại cảng Vũng Rô (Phú Yên, cũng thuộc sự quản lý của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn). Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn trực 100% quân số ở tất cả phòng ban, đảm bảo giữ liên lạc với các tàu trong khu vực thông qua hệ thống VHF kênh 16 và hệ thống AIS (thiết bị nhận dạng tàu biển) để điều động khi có tàu rê neo để tránh va đập.
* Sáng 9.11, 11 đoàn công tác của Sở GD&ĐT đã về các địa phương để kiểm tra công tác phòng, chống bão. Tại huyện An Lão, khoảng 80 học sinh, chủ yếu ở xã An Toàn và An Nghĩa, được bố trí ở lại trường, nhà trường đã cử cán bộ nấu ăn cho số học sinh này. Tại huyện Vĩnh Thạnh, ngay từ chiều 8.11, nhiều học sinh dân tộc thiểu số đã rời trường về nhà sớm. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, huyện Vĩnh Thạnh đã yêu cầu các em chỉ quay lại trường khi bão tan.
* Ngày 9.11, Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức sơ tán 108 sinh viên ở tầng 5 thuộc C4 sang tầng trệt C5 ký túc xá của Trường nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho sinh viên khi có mưa bão Haiyan xảy ra. Tầng 5 thuộc C4 có trần thạch cao đã cũ, nóc lợp bằng mái ngói nên nguy cơ đổ vỡ rất cao khi có mưa bão lớn. Được biết, toàn Trường nghỉ làm việc, nghỉ dạy và học trong 2 ngày 9 và 10.11.
* Do những ngày mưa vừa qua, tại xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh có mưa to đến rất to, gây sạt lở trên 400 m3 đất, đá thuộc 2 tuyến đường bê tông nông thôn dẫn đến trung tâm cụm xã, đoạn dốc làng Cà Bưng và tuyến đường làng Chồm đi Canh Tiến. Ngoài ra, mưa lũ còn làm sập mố cầu Bản Suối Lâu (làng Chòm), gây ách tắc, chia cắt giao thông các làng Cà Nâu, Cà Bưng, Hà Giao, Kon Lót, Làng Chòm…
Theo baobinhdinh.com.vn