Làng nghề truyền thống Cát Tường: Tìm đầu ra
Nón ngựa, một "đặt sản" của Bình Định - Ảnh minh họa.
5 năm qua, từ nguồn vốn đầu tư phát triển làng nghề của tỉnh và từ ngân sách địa phương, xã đã đầu tư gần 4 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển làng nghề, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong đó, xây dựng đường bê tông hơn 3 tỉ đồng, 630 triệu đồng xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nón ngựa, và hơn 300 triệu đồng làm lưới điện hạ thế đến làng nghề, thuộc các thôn Phú Gia, Xuân Quang và Kiều Đông. Ngoài ra, xã cũng đã lập dự án vay vốn hàng trăm triệu đồng để các hộ đầu tư phát triển nghề làm nón ngựa phục vụ du lịch.
Đặc biệt, từ khi đưa vào hoạt động nhà trưng bày sản phẩm đã phát huy tác dụng tích cực, tạo thuận lợi cho bà con tập trung trao đổi kinh nghiệm làm nón, nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu sản phẩm với du khách. Địa phương cũng đã phối hợp mở được 4 lớp dạy nghề làm nón ngựa cho 140 người là con em trong xã và các địa phương lân cận. Mỗi lớp có thời gian học 3 tháng theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Trong đó, có 2 lớp cho con em thuộc diện hộ nghèo và 2 lớp cho con em hộ cận nghèo, và đang tiếp tục mở 2 lớp nữa trong năm nay.
Là một sản phẩm đặc trưng của văn hóa trang phục, có giá trị mỹ thuật cao, chiếc nón ngựa đang được người dân làng nghề Cát Tường từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, trên cơ sở giảm bớt những sản phẩm làm thô, giữ vững sản phẩm truyền thống, đồng thời tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Toàn xã hiện có khoảng 320 hộ với trên 700 lao động làm nón ngựa. Theo bà con làng nghề, vài năm gần đây nón ngựa tiêu thụ khá mạnh, nhưng phần lớn làm theo đơn đặt hàng, chủ yếu là nón lật, bởi chiếc nón ngựa truyền thống đòi hỏi làm rất công phu, giá thành cao, giá bán lên đến 400 - 500 ngàn đồng/chiếc. Còn chiếc nón lật thì làm đơn giản hơn nên giá chỉ từ 80 đến 150 ngàn đồng/chiếc; nón ngựa du lịch giá khoảng 40 - 50 ngàn đồng/chiếc. Thu nhập từ nghề này sau khi trừ chi phí khoảng 60 - 80 ngàn đồng/người/ngày công.
Ở Cát Tường, doanh thu mỗi năm từ ngành nghề TTCN chiếm 44% tổng thu nhập của địa phương. Có nhiều hộ làm các nghề truyền thống đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nhiều hộ nghèo đã vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy mức thu nhập từ làm nón ngựa so với các ngành nghề khác chưa phải là cao, nhưng so với thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thì là nguồn thu không nhỏ, bởi nghề này tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn, tận dụng được lao động phụ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân làng nghề. Những năm qua, làng nghề nón ngựa đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Tuy đã từng bước phát triển, song làng nghề nón ngựa Cát Tường vẫn còn nhiều bất cập. Bởi lẽ hạ tầng nông thôn chưa hoàn thiện; chưa có giải pháp khả thi để duy trì được cốt cách truyền thống của chiếc nón ngựa, nâng cao giá trị sản phẩm. Thực tế, sản phẩm nón ngựa làm ra từ làng nghề chưa có thương hiệu; việc tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc, phải thông qua khâu trung gian, thậm chí còn như một đơn vị gia công sản phẩm, giá cả thấp. Tuy hướng đến mục tiêu làng văn hóa du lịch, nhưng người dân làng nghề chưa có kỹ năng tiếp xúc với du khách, nhất là du khách nước ngoài.
Theo baocongthuong.com.vn