Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phi chính phủ nước ngoài
Điểm cầu Bình Định
Thời gian qua, hầu hết các tổ chức PCPNN tuân thủ tốt các quy định của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam triển khai các chương trình, dự án hiệu quả, đúng nhu cầu; tích cực tham gia và đóng góp cho các hoạt động do các cơ quan Việt Nam tổ chức. Trong năm 2019, có 504 tổ chức PCPNN hoạt động thường xuyên với tổng giá trị viện trợ giải ngân là 262,1 triệu USD và tập trung viện trợ vào các lĩnh vực như: y tế, phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội, giáo dục – đào tạo, tài nguyên – môi trường, xây dựng năng lực và hỗ trợ tư pháp… Ngoài ra, các tổ chức PCPNN còn tích cực, chủ động tham gia tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; thông qua các báo cáo, thúc đẩy chia sẻ thông tin về Việt Nam.
Tại Bình Định, tỉnh đã tích cực xúc tiến, kêu gọi nguồn viện trợ từ các cá nhân người nước ngoài, các tổ chức PCPNN nhằm tranh thủ mọi nguồn lực, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Theo đó, trong năm 2019, các cá nhân người nước ngoài, tổ chức PCPNN đã tài trợ thực hiện 46 chương trình, dự án và phi dự án với tổng giá trị viện trợ giải ngân trên 1,9 triệu USD (tương đương 44,97 tỉ đồng). Các khoản viện trợ chủ yếu tập trung tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh và tập trung vào các lĩnh vực như: y tế (khám chữa bệnh), giáo dục, tài nguyên và môi trường, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào lũ lụt, hỗ trợ người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 40 tổ chức PCPNN được cấp Giấy đăng ký; trong đó, 09 tổ chức đang hoạt động và triển khai dự án, còn lại là cá nhân, tổ chức nước ngoài viện trợ phi dự án.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động công tác PCPNN trong năm 2019; công tác quản lý hoạt động và thực trạng PCPNN; công tác đảm bảo an ninh chính trị trong hoạt động các tổ chức PCPNN; công tác vận động viện trợ PCPNN; công tác phối hợp, hỗ trợ hoạt động giữa Ủy ban với các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức nhân dân; phối hợp giữa Trung ương và địa phương để triển khai công tác PCPNN.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN Bùi Thanh Sơn đánh giá, năm 2019, công tác PCPNN đã đóng góp tích cực vào các lĩnh vực, các địa bàn theo định hướng ưu tiên của Việt Nam. Bên cạnh việc trực tiếp triển khai các chương trình, dự án hiệu quả, nhiều tổ chức PCPNN đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Để công tác PCPNN thực sự đem lại những lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường quán triệt, triển khai và thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước về công tác PCPNN; đồng thời tăng cường công tác quản lý, vận động viện trợ PCPNN, qua đó huy động các nguồn lực cho phát triển và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho công tác đảm bảm bảo an ninh – quốc phòng, ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Tập trung hoàn thiện các Nghị định thay thế Nghị định 93/2009/NĐ-CP về ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN và Nghị định 12/2012/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam. Tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về quá trình thẩm định, xử lý Giấy đăng ký và phê duyệt dự án. Cập nhật cơ sở dữ liệu về các tổ chức PCPNN; tích cực vận động các tổ chức PCPNN ủng hộ các vấn đề liên quan đến lợi ích của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế; tăng cường hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các tổ chức PCPNN.
Kim Loan