|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2020

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 02/3, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng – Trưởng ban Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định (ảnh).

Năm 2019, công tác triển khai thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, đảm bảo sự gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với cải cách hành chính (CCHC).

Hiện có trên 1.180 TTHC được công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến (địa chỉ: dichvucong.binhdinh.gov.vn). Trong năm, đã tiếp nhận và giải quyết gần 46.659 hồ sơ; trong đó, có 29.301 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 2.188 hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với 02 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là "Cấp lại giấy phép lái xe" (thuộc Sở Giao thông vận tải) và "Thông báo hoạt động khuyến mãi" (thuộc Sở Công Thương).

Tính đến ngày 31/12/2019, đã có 100% UBND cấp huyện và 153/159 UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh chính thức vận hành, sử dụng phần mềm một cửa điện tử, đảm bảo kết nối liên thông với phần mềm một cửa điện tử đang áp dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (PVHCC) để luân chuyển hồ sơ TTHC điện tử. Số lượng văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh (trừ văn bản mật) dưới dạng điện tử đạt 95%, trong đó, có 72% tỉ lệ văn bản điện tử ký số của tỉnh đã gửi qua Trục liên thông văn bản Quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại nhất định như: Việc triển khai và đưa vào sử dụng hệ thống văn phòng điện tử tại cấp xã gặp khó khăn vì hạ tầng CNTT tại cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỉ lệ văn bản điện tử ký số của UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi qua Trục liên thông văn bản tỉnh còn thấp. Tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và các mục tiêu Nghị quyết 17/NQ-CP đã đề ra. Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT và CCHC; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu đề xuất đầu tư nâng cấp Cổng thông tin điện tử; nghiên cứu thiết lập trục điện tử liên thông kết nối giữa phần mềm Văn phòng điện tử (Idesk) và phần mềm Một cửa điện tử (iGate); hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm phục vụ tốt hệ thống thông tin một cửa điện tử đã và đang sử dụng trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Viettel Bình Định triển khai thí điểm họp không giấy tại Văn phòng UBND tỉnh. VNPT bảo đảm đường truyền Internet để một số xã còn lại tại huyện Hoài Ân vận hành phần mềm một cửa điện tử trong tháng 03/2020.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật