|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”

(binhdinh.gov.vn)-Sáng ngày 21/02, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Theo Bộ NN&PTNT, 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể; từng bước hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm; cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Đối với lĩnh vực cơ giới hóa trong nông nghiệp, trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng dần. Năm 2019 so với năm 2011, số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%. Trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/01ha canh tác. Công nghiệp hỗ trợ cũng đạt được những kết quả nhất định. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng. Việc phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị gia tăng nông sản, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp hiện còn nhiều hạn chế, cần có các giải pháp tập trung khắc phục.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phát triển công nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp tại địa phương trong những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định đã có những bước đổi mới, tạo tiền đề cho sự phát triển, nhất là về đổi mới quản lý kinh tế và ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, năm 2019, toàn tỉnh có 48 DN hoạt động trong ngành chế biến nông sản, giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5,5-6,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 ước đạt 11.483 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 49,2 triệu USD. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có bước tiến mới, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt tỷ lệ 93%, khâu chăm sóc đạt 26%, khâu thu hoạch đạt 82%. Lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều DN đầu tư thiết bị tự động, bán tự động trong các khâu cung cấp thức ăn, cấp nước, tạo vi khí hậu, ấp trứng, vắt sữa..

Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đều khẳng định vai trò và sự cần thiết phải quan tâm đầu tư cho phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Các đại biểu cho rằng, đã đến lúc phải xem xét, cơ cấu lại sản xuất, dựa vào yêu cầu hội nhập kinh tế và tiêu dùng nội địa. Phát triển công nghệ chế biến theo 2 hướng, quy mô lớn và công nghệ hiện đại để giải bài toán sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Để làm được điều đó, cần thực hiện đồng bộ giải pháp về công nghệ và quản trị; làm tốt cơ giới hóa sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tăng lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho địa phương đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Mặt khác, cần ban hành các chính sách thúc đẩy cạnh tranh, đạt được nhiều lợi ích…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam còn nhiều tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp. Các địa phương, doanh nghiệp, các bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu và có giải pháp tháo gỡ cho hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp để nắm bắt thời cơ mới cho phát triển nông nghiệp. Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển công nghiệp chế biến, cơ giới hóa sản xuất, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu cần tiếp tục tìm kiếm thị trường, phát triển mạnh mẽ các sản phẩm có thế mạnh. Về tín dụng, thực hiện kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho vay. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất giống, sản xuất máy móc, thiết bị; có giải pháp giảm chi phí, giá thành sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu cần xây dựng các giải pháp với chiến lược phát triển; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xây dựng các chương trình, giải pháp để phục vụ các mục tiêu phát triển về kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp nói riêng…

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật