UBND tỉnh họp bàn về các giải pháp chống hạn và công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh
Quang cảnh buổi họp
Theo báo cáo tại cuộc họp, nguồn nước tại các hồ thủy lợi đang bị thiếu hụt so với cùng kỳ năm 2019, dự báo lượng mưa vụ trong năm 2020 có khả năng thấp hơn năm 2019, nên hạn hán năm 2020 có thể gay gắt hơn. Theo đó, vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh sản xuất hơn 48.000 ha lúa, gần 17.000 ha cây trồng cạn; tổng diện tích hơn 65.000 ha, cơ bản có đủ nguồn nước tưới. Toàn tỉnh cũng đã chuyển đổi ba vụ lúa sang hai vụ lúa trên diện tích 777 ha; chuyển đổi sản xuất lúa sang các cây trồng cạn 697 ha. Về kế hoạch sản xuất vụ Hè năm 2020: Tổng diện tích dự kiến sản xuất hơn 6.100 ha, nguồn nước đáp ứng đủ. Kế hoạch vụ Thu: Tổng diện tích dự kiến sản xuất gần 48.300 ha; có khả năng thiếu nước khoảng 2.000 ha. Để việc chống hạn hiệu quả, đáp ứng nước sinh hoạt cho sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của người dân, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tính toán và khoanh vùng diện tích sản xuất vụ Hè, vụ Thu; tránh tình trạng người dân tự phát gieo sạ để không đảm bảo nguồn nước tưới.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao và diễn biến rất phức tạp, nhất là những loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng và dịch tả heo Châu Phi. Tính đến ngày 01/01/2020, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra ở 3.364 hộ chăn nuôi, với tổng số heo phải tiêu hủy là trên 29.000 con, chiếm 3,9 % so với tổng đàn heo. Từ cuối tháng 01/2020 đến nay, bệnh lở mồm long móng ở trâu, bò, heo cũng đã xảy ra tại huyện Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn; số lượng trâu bò mắc bệnh đến nay là 410 con. Các ngành chức năng cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp chống dịch: tổ chức tiêm phòng khép kín cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh; quản lí, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nuôi mới, tái đàn...
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đề nghị UBND các huyện, thị xã cần phối hợp với các ngành chức năng tập trung triển khai một số giải pháp như: tiến hành nạo vét kênh mương, thành lập các đội thủy nông tại các xã. Đối với các huyện thường xuyên thiếu nước tưới phục vụ sản xuất sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân lập tức đưa vào sản xuất ngay vụ Hè Thu để giảm thời gian tưới cũng như lượng nước đổ ải, điều này sẽ hạn chế thấp thiệt hại cho nông dân trong vụ Hè Thu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cũng giao Sở Nông nghiệp và PTNT lập đề án cây trồng cụ thể, phù hợp với từng địa phương trình UBND tỉnh; đồng thời đề nghị các Hội, đoàn thể cần tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình thiếu nước, khô hạn trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và chủ động trong việc sử dụng nước tiết kiệm…
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cùng các sở, ngành chức năng và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tăng cường công tác phun thuốc khử độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi, kết hợp tiêm vắc xin phòng chống dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm, hướng dẫn người dân về công tác phòng chống dịch bệnh. Các địa phương phải đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung, riêng huyện Tuy Phước và Vân Canh yêu cầu phải xóa bỏ cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư, vận động người dân đưa gia súc đến cơ sở giết mổ động vật tập trung, nhất là TP Quy Nhơn; đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động các Trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh./.
Thỳ Trang