Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu tại Hội nghị.
Từ giữa tháng 10.2016 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có 04 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, trong đó, 02 đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11.2016 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo thống kê, đã có 65 người chết và mất tích, trên 191.000 ngôi nhà bị ngập nước, hơn 22.150ha lúa bị ngập, hư hại... Tổng thiệt hại về tài sản ước tính gần 7.200 tỉ đồng.
Tại Bình Định, do mưa lớn gây lũ làm chết 04 người, 03 người bị thương, một số khu vực bị sạt lở và ngập úng, trên 3.820 ngôi nhà, 1.850 giếng nước, trên 8.140 ha lúa Đông Xuân bị ngập, 730 ha hoa màu bị thiệt hại; 206 ha ruộng bị sa bồi, 04 ha tôm bị thiệt hại, đường giao thông nội bộ một số khu vực bị ngập....
Hội nghị đánh giá mặc dù các cấp chính quyền, người dân đã chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của mưa lũ song vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Nhìn chung, thiệt hại về người vẫn còn lớn; công nghệ dự báo thời tiết chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu hồ; chất lượng rừng đầu nguồn bị suy giảm; trang thiết bị cứu hộ cứu nạn của các lực lượng chủ lực và đặc biệt là ở địa phương còn thiếu hoặc chưa phù hợp...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo di dời người dân ở các vùng bị ngập sâu đến nơi an toàn và đã chi nguồn ngân sách của tỉnh để khắc phục thiệt hại về hạ tầng giao thông, thủy lợi để đảm bảo nước tưới cho vụ Đông Xuân. Đồng chí Trần Châu đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để tỉnh tiếp tục khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; xem xét giao cho địa phương chủ động cân đối giống trong vụ sản xuất Đông Xuân để vừa đảm bảo lịch thời vụ vừa phù hợp với nhu cầu cơ cấu giống của người dân.
Theo nhận định, từ nay đến 15.12.2016, khu vực Trung và Nam Trung bộ có khả năng xảy ra 3 – 4 đợt mưa trên diện rộng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng lưu ý trước mắt các địa phương cần tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống; sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương điều tra vết lũ, nhận dạng lũ, từ đó đề xuất các giải pháp đảm bảo phòng, chống lũ an toàn. Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng khắc phục các thiệt hại về hạ tầng, đảm bảo giao thông thông suốt.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo phản ảnh chính xác, kịp thời thông tin, tình hình thiên tai đến cộng đồng; nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao công nghệ dự báo, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, bị chia cắt; xây dựng trạm quan trắc ở thượng lưu; đề xuất xây dựng trạm đo mưa cộng đồng. Bên cạnh đó, cần đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn, phòng hộ, từ đó có kế hoạch cụ thể cho việc trồng mới, khoanh nuôi, phát triển và bảo vệ rừng. Các địa phương cần xây dựng các cơ chế phối hợp cụ thể và phù hợp với các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong quá trình vận hành điều tiết xả lũ, quy định rõ trách nhiệm của các bên, có chế tài xử lý đối với những chủ hồ không tuân thủ quy định. Đẩy mạnh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa để điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với mưa, lũ; rà soát quy hoạch thoát lũ của mỗi địa phương và liên vùng.
Theo Kim Loan (ubndbinhdinh.vn)