Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc thực hiện Đề án 258
Quang cảnh điểm cầu Bình Định
Báo cáo tại hội nghị cho biết , qua 5 năm thực hiện đề án, Ban chỉ đạo Đề án 258 đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Nhất là việc thành lập các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo tiến hành tại một số bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện Đề án 258. Qua trao đổi, làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, tổ chức có liên quan, qua đó đã phát hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Đề án. Từ đó, kịp thời có những kiến nghị, giải pháp giúp các bộ, ngành, địa phương khắc phục, giải quyết khó khăn, vướng mắc.Các bộ, ngành cũng đã tập trung chỉ đạo, hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm như ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công tác giám định tư pháp, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho công tác này.
Tại Bình Định ngày 13 tháng 5 năm 2011 UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1035 về kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án 258, đồng thời ban hành quyết định số 1646 thành lập Ban chỉ đạo 258 “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tư pháp” gồm thành phần: Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc sở tư pháp làm Phó Ban thường trực,thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Qua 5 năm thực hiện Đề án, nhìn chung, việc tổ chức thực hiện đề án 258, luật giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn có liên quan đã được triển khai kịp thời, nghiêm túc nên công tác giám định tư pháp dần đi vào nề nếp. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên tư pháp được thực hiện có hiệu quả. Hiện trên địa bàn tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập và 16 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, đội ngũ giám định tư pháp đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là trong lĩnh vực pháp ý, kỹ thuật hình sự, tài chính - kế toán. .Công tác kiểm tra về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp đã được Ban chỉ đạo đề án 258 cấp tỉnh quan tâm, thực hiện đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và nội dung theo kế hoạch đề ra. Kết luận giám định cơ bản đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hoạt động giám sát tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện Đề án 258 cấp Trung ương và địa phương trong 5 năm qua. Hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh oan sai. Tiến hành giám định tư pháp là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu: Các bộ Ngành liên quan, UBND các tỉnh thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các quy định của Luật Giám định tư pháp; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những nội dung của Đề án 258, Luật Giám định tư pháp và các văn bản có liên quan; Củng cố và kiện toàn đội ngũ giám định tư pháp; Rà soát đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động giám định tư pháp hiện có để xây dựng kế hoạch đầu tư, kinh phí thực hiện. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu việc xây dựng các tổ chức giám định độc lập và cán bộ chuyên trách giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng... đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giám định hiện nay.
K.Y