A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực thực hiện Nghị định 67

(binhdinh.gov.vn)-Hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ ngư dân nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp phải một số vướng mắc và đang được các đơn vị cùng nhau khắc phục.

Agribank Bình Định bàn giao tào vỏ thép cho ngư dân

Những tín hiệu vui

Triển khai thực hiện Nghị định 67, tỉnh Bình Định được Bộ NN&PTNT đồng ý cho triển khai 2 nhóm dự án gồm: Nhóm các dự án thuộc chương trình cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão và nhóm các dự án thuộc chương trình giống và nuôi trồng thủy sản với tổng kinh phí ước tính 514,688 tỷ đồng. Bên cạnh chính sách đầu tư trên, Bình Định cũng đang triển khai nhiều chính sách tín dụng để đầu tư cho ngành thủy sản địa phương theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ.

Tỉnh Bình Định được Bộ NN&PTNT giao chỉ tiêu sẽ phải đóng mới 305 tàu, trong đó có 280 tàu khai thác thủy sản và 25 tàu dịch vụ. Đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt 10 đợt các chủ đầu tư đủ điều kiện vay vốn đóng mới 217 tàu (gồm 137 tàu vỏ thép, 69 tàu vỏ gỗ và 11 tàu vỏ composite). So với chỉ tiêu kế hoạch giao, hiện Bình Định đã thực hiện phê duyệt danh sách đủ điều kiện đóng mới đạt 71,14% (217/305 tàu). Về số lượng các chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng và thi công đóng tàu, hiện nay, tỉnh đã có 50 chủ tàu hoàn thành các thủ tục này (vỏ thép 44 tàu, vỏ gỗ 3 tàu và vỏ composite 3 tàu). Trong đó, huyện Hoài Nhơn 19 tàu, Phù Mỹ 11 tàu, Phù Cát 10 tàu, TP.Quy Nhơn 10 tàu với tổng vốn cam kết cho vay là 618,94 tỷ đồng.

Tính đến nay, tỉnh Bình Định đã có 33 tàu hạ thủy, bàn giao cho ngư dân, trong số đó có 12 tàu đã ra khơi bám biển và bước đầu có lãi và một số đã hoàn vốn; số tàu còn lại tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc ngư dân để phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành việc đóng mới, bàn giao cho ngư dân. Ngoài các kết quả đáng kể trên, tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt 4 đợt các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn nâng cấp cho 28 tàu cá thực hiện mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị đánh bắt xa bờ. Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với Trường Đại học Nha Trang xây dựng thiết kế mẫu và tổ chức thẩm định, công bố 2 mẫu thiết kế tàu cá vỏ gỗ theo mẫu dân gian Bình Bịnh; thông báo và cung cấp hồ sơ thiết kế, giá thành 2 mẫu tàu cho các ngân hàng, cơ sở đóng tàu và ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67 của Chính phủ để triển khai thực hiện. Thông qua đó, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt danh sách các tàu cá đủ điều kiện đăng ký để được hưởng chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 cho 2.204 tàu (trong đó TP Quy Nhơn 161 tàu; các huyện: Phù Cát 305 tàu, Phù Mỹ 188 tàu, Hoài Nhơn 1.550 tàu).

Cùng tháo gỡ khó khăn

Tuy có nhiều cố gắng, tích cực triển khai thực hiện các chính sách kể trên tại địa phương, song kết quả vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Việc phê duyệt danh sách đủ điều kiện đóng mới, ký hợp đồng tín dụng, thi công đóng tàu so với danh sách được duyệt vẫn còn thấp, một số tàu sau khi được phê duyệt danh sách đóng tàu mới lại xin chuyển nghề, chuyển vật liệu đóng tàu, từ đó phải làm lại phương án sản xuất kinh doanh để thẩm định, phê duyệt lại, rất mất công và tốn thời gian.Trong quá trình lựa chọn vật liệu, máy móc, mẫu thiết kế, ngư lưới cụ; việc trả nợ sau khi vay vốn; lao động làm việc trên tàu; lựa chọn ngân hàng… một số chủ tàu còn phân vân nên dẫn đến chậm tiến độ đóng và bàn giao tàu.

Bên cạnh đó, việc triển khai đóng mới tàu vỏ gỗ còn gặp khó khăn, do vốn đối ứng tàu vỏ gỗ khá cao (30%) so với tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới (từ 5-10%). Hơn nữa nếu đóng mới theo Nghị định 67 tổng vốn đầu tư cao hơn đóng bằng vốn tự có và vốn vay thương mại từ 1,5-2 lần vì phải sử dụng máy thủy, trang thiết bị, ngư lưới cụ mới (tổng vốn đầu tư tàu vỏ gỗ đóng theo Nghị định 67 từ 10-12 tỷ đồng đối với nghề lưới vây, lưới rê và khoảng 6-8 tỷ đồng đối với nghề câu; vốn đối ứng khoảng từ 3-3,6 tỷ đồng đối với nghề lưới vây, lưới rê và khoảng 1,8-2,4 tỷ đồng đối với nghề câu). Còn ếu đóng bằng vốn tự có hoặc vốn vay thương mại thông thường, có thể sử dụng máy thủy, ngư cụ và trang thiết bị cũ nên vốn đầu tư chỉ khoảng 2-3 tỷ đồng đối với tàu nghề câu, 4-6 tỷ đồng đối với tàu nghề lưới vây, lưới rê. Do vậy, một số chủ tàu được phê duyệt danh sách đủ điều kiện đóng mới tàu cá vỏ gỗ đã xin rút để đóng tàu bằng vốn tự có và vay thương mại hoặc chuyển sang đóng tàu vỏ thép.

Việc thẩm định cho vay đóng mới tàu vỏ gỗ của một số ngân hàng thương mại tại Bình Định chưa tích cực, thể hiện qua việc chưa quy định thời gian thẩm định hồ sơ và trả lời kết quả cho ngư dân. Việc tiếp cận, hướng dẫn và hỗ trợ giúp chủ tàu của ngân hàng còn chậm và chưa có kế hoach, tiến độ cụ thể. Do vậy một số chủ tàu đăng ký đóng tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67 chuyển sang đóng tàu bằng vốn tự có và vốn vay thương mại thông thường do thủ tục nhanh gọn, đầu tư thấp hơn.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc đóng tàu vỏ gỗ, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đề nghị: Nên áp dụng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, nghĩa là chủ tàu đặt hàng đóng mới tàu cá và mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ theo thiết kế, dự toán được duyệt và thẩm định giá. Sau khi hoàn thành và bàn giao tàu, ngân hàng giải ngân cho vay theo tỷ lệ quy định. Nếu không áp dụng biện pháp trên, chủ tàu có thể vay toàn bộ các hạng mục theo thiết kế, dự toán được duyệt hoặc chỉ vay vốn đóng mới vỏ tàu và mua máy thủy mới trang bị cho tàu, các hạng mục còn lại chủ tàu sử dụng máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện có để giảm vốn đầu tư. Ngoài ra, một giải pháp khác là chủ tàu tham gia vốn tự có bằng việc đóng mới vỏ tàu, ngân hàng cho vay các hạng mục còn lại (máy thủy mới, trang thiết bị, ngư lưới cụ….) theo thiết kế, dự toán được duyệt./.

K.Y

 


Tin nổi bật Tin nổi bật