Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid 19
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Trước những tác động của dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc và đang ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 2 tháng đầu năm 2020, cả nước đã gieo cấy đạt khoảng 3,01 triệu ha lúa Đông Xuân (giảm khoảng 110 nghìn ha so với năm 2019), sản lượng ước đạt 20,3 triệu tấn (giảm khoảng 164 nghìn tấn so với vụ trước); gieo trồng 39,1 nghìn ha khoai lang, 8,1 nghìn đậu tương; 75,9 nghìn ha lạc; 428,9 nghìn ha rau đậu (tăng 0,6%). Chăn nuôi bò, gia cầm và thủy sản tiếp tục tăng trưởng cao. Cụ thể, đàn bò tăng 2,4%, đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn lợn giảm 23%; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1,02 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ... Chịu tác động khá mạnh bởi dịch COVID-19 nên kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt khác, tình hình hán hán, xâm nhập mặn xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long và các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm vẫn chưa được khống chế… đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của doanh nghiệp và nông dân.
Để đảm bảo mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hoàng hóa nông sản, thủy sản năm 2020 đạt 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ 11,5 tỷ USD, thủy sản 10 tỷ USD và chăn nuôi 0,8 tỷ USD. Hội nghị yêu cầu toàn ngành nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã đề ra.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp những tháng tiếp theo trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu báo cáo tại Hội nghị.
Đối với tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu báo cáo với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 tại Bình Định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Trên lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích đất sản xuất lúa thiếu nước tưới và mở rộng diện tích cây trồng cạn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trên lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm chất lượng cao, áp dụng công nghệ cao; đồng thời tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Bình Định cũng đang đẩy mạnh phương án quản lý rừng bền vững, phát triển rừng gỗ lớn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển, áp dụng quy trình kỹ thuật khai thác, quản lý, bảo quản sản phẩm cá ngừ của Nhật Bản để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe cho nhân dân.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho biết: Đại dịch COVID-19 đang gây ra 2 vấn đề bao trùm là đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân toàn cầu; làm rối loạn nền kinh tế thế giới. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để ứng phó với dịch bệnh. Riêng đối với ngành Nông nghiệp, ngoài tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành đang phải đối mặt với nhiều tác động khác là sự cực đoan của thời tiết, tình hình dịch bệnh. Để hoàn thành mục tiêu và kế hoạch đã đề ra, trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành nông nghiệp cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước; tăng cường xuất khẩu, đạt được mục tiêu cao nhất. Cụ thể, toàn ngành sẽ tập trung tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến; kiểm soát dịch bệnh động vật; đẩy mạnh việc tái đàn khôi phục chăn nuôi; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để khi dịch Covid-19 đi xuống thì có đà đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ NN và PTNT cũng sẽ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh ngành hàng nông, lâm, thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu./.
Thùy Trang