Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án 896 giai đoạn 2013-2020
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 08 năm triển khai thực hiện, 57/57 (100%) nhiệm vụ của Đề án đã hoàn thành với nhiều kết quả quan trọng, nhất là nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến giấy tờ công dân.
Trong đó, về cơ bản nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân đã được thực hiện theo đúng tiến độ. Bộ Công an đã ban hành các quy trình, quy chế cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cấp công an trong công tác này; đã chỉ đạo các lực lượng ở cơ sở (cảnh sát khu vực, công an xã) “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp” để cập nhật, bổ sung thông tin trước khi đưa vào cơ sở dữ liệu. Tính đến ngày 05/3, tổng số nhân khẩu thường trú cả nước là 98.736.106 nhân khẩu. Trong đó, đã thu thập được 86.603.192 phiếu DC01 của 59/63 địa phương; chuyển đổi, đồng bộ dữ liệu của 4 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Tây Ninh đã có sẵn là 11.204.794 (đạt 99,06%); cập nhật được 16.050.224 phiếu DC02. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương tổ chức 6.000 lượt kiểm tra, phúc tra bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.
Đặc biệt, từ ngày 01/01/2021, lực lượng công an đã đồng loạt tổ chức cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho công dân tại 63/63 địa phương, mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Dự kiến đến 01/5/2021 sẽ hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam.
Đối với nhiệm vụ rà soát TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, BCĐ 896 đã chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt việc rà soát các TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Đến nay, trong tổng số 1.934 TTHC có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 TTHC, chiếm tỷ lệ 58,2%. Trong đó đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 34 TTHC, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 28 TTHC, cắt giảm thành phần hồ sơ của 1.042 TTHC, sửa nội dung 812 mẫu đơn, 201 tờ khai và đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân. Riêng Văn phòng BCĐ 896 của Chính phủ đã thực hiện rà soát và đề xuất rà soát bổ sung đối với 399 TTHC, đề xuất các phương án đơn giản hóa đối với 406 TTHC, nâng tổng số thủ tục có phương án đơn giản hóa lên 1.525 TTHC.
Điểm cầu Bình Định
Tại Bình Định, Ban Chỉ đạo 896 tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 896 Trung ương để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Đề án 896 phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành có liên quan và UBND các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính, góp phần xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Định. Theo đó, đã thực hiện tích hợp 148 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với của Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã trên toàn tỉnh đã chứng thực trên 2.220 bản sao điện tử. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ danh mục TTHC, quy trình và thời gian giải quyết TTHC, mức thu phí, lệ phí, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ;… Bên cạnh đó, Trung tâm đã đưa vào ứng dụng các tiện ích để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tổ chức. Đối với các TTHC có phát sinh thu phí và lệ phí, Trung tâm đã phối hợp thực hiện thu phí, lệ phí thông qua phần mềm một cửa điện tử liên thông tại Trung tâm. Hiện nay, 100% UBND cấp huyện, cấp xã đã sử dụng Hệ thống phần mềm một cửa điện tử trong công tác gửi, nhận hồ sơ TTHC điện tử liên thông theo quy định.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay, công tác thu thập thông tin dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Định đã cơ bản hoàn thành, với 1.729.003 phiếu DC01/1.736.600 nhân khẩu thường trú (đạt tỷ lệ 99,56%). Đồng thời, đã hoàn thành công tác kiểm tra, phúc tra thông tin dân cư; duy trì công tác cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư, đảm bảo thông tin luôn “đúng, đủ, sạch, sống”…
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các yêu cầu cần thiết trong xây dựng các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; công tác thu thập thông tin dân cư đối với đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; công tác phối hợp giữa cơ quan công an, tư pháp trong thu thập, sửa đổi, bổ sung thông tin dân cư; việc kết nối, khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Sự ra đời của Đề án 896 đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giảm giấy tờ công dân, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Mặc dù Đề án 896 đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong giai đoạn 2013 -2020, nhưng những kết quả này mới mang tính chất nền tảng. Nhiều nhiệm vụ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới; trong đó, trọng tâm là các nhóm nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện quyết liệt và hoàn thành việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước (theo 19 nghị quyết Chính phủ đã ban hành). Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khai thác, sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Duy trì bảo đảm hoạt động thường xuyên của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư, bảo đảm thông tin “đúng, đủ, sạch, sống”.
Kim Loan