Quý I/2021: Vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn giao thông làm chết nhiều người
Theo báo cáo tại hội nghị, ngay từ đầu năm, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT. Lực lượng Công an thực hiện tốt các các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch; tăng cường nắm tình hình, xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT và ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm; kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông... Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết; đồng thời, tiếp tục tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt. Do đó, tình hình TTATGT trên toàn quốc cơ bản được đảm bảo; giảm 263 vụ (giảm 7,58%) và giảm 183 người bị thương (giảm 7,12%) do tai nạn giao thông (TNGT) so với cùng kỳ năm 2020. Có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm; trong đó, có 09 địa phương giảm trên 30% là: Đồng Tháp, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hưng Yên, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Điện Biên, Hải Dương và Hà Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong Quý I năm 2021 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người; số người chết do TNGT tăng 33 người (tăng 2,01%); tai nạn hàng hải tăng cả số vụ, số người chết và mất tích. Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương... Toàn quốc có 30 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2020; đáng chú ý, có 05 tỉnh có số người chết tăng trên 70% là Lâm Đồng, Hà Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang và Quảng Bình.
Riêng tại Bình Định, trong quý I năm 2021, xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người và bị thương 32 người; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 01 vụ (giảm 2,3%) và tăng 07 người bị thương (tăng 28%).
Tại hội nghị, đại diện Ban An toàn giao thông một số tỉnh, thành phố đã báo cáo kết quả bảo đảm TTATGT trên địa bàn, việc ứng dụng công nghệ và khoa học trong công tác bảo đảm TTATGT; đồng thời, phân tích các nguyên nhân làm tăng TNGT, chia sẻ các kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp đột phá chống ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực vận tải công cộng và siết chặt quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân… nhằm kéo giảm TNGT. Cùng với đó, đại diện các bộ, ngành đã báo cáo kết quả công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn; tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ; công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; công tác tuyên truyền vận động công nhận lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; công tác bảo đảm an toàn hàng không…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Trong Quý II năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 và Kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia với chủ đề: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Các địa phương có TNGT tăng trong Qúy I có báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả để khắc phục, kéo giảm TNGT. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về ATGT; triển khai tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm TTATGT; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe; tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm; triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất; đề xuất các biện pháp bảo đảm an toàn phương tiện thủy nội địa…
Bộ Công an có trách nhiệm mở cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội dịp lễ 30/4 và 01/5, bảo đảm TTATGT phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, giải quyết dứt điểm các “điểm đen”, các tuyến giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục ATGT cho học sinh sinh viên trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5, nghỉ hè và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021; tổ chức đánh giá chất lượng, hiệu quả bộ tài liệu văn hóa giao thông dành cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và biên soạn lại bộ tài liệu cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Y tế các địa phương tổ chức kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định. Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với ngành Giao thông vận tải tổ chức thực hiện nghiêm công tác khám sức khỏe định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải, xét nghiệm ma túy đối với toàn bộ lái xe được khám sức khỏe.
Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố.
Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng yêu cầu Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và vận động nhân dân thực hiện nghiêm các giải pháp về bảo đảm cho người dân tham gia giao thông an toàn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19; rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; bổ sung, hoàn thiện công tác tổ chức giao thông, hệ thống cảnh báo, hướng dẫn lái xe trong điều kiện đường đèo dốc dài, nhiều đường công trên các tuyến đường bộ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm TTATGT, kết nối, khai thác dữ liệu từ các hệ thống camera giám sát của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT.
Kim Loan