Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng Chính phủ điện tử
Điểm cầu Bình Định
Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: xây dựng Chính phủ điện tử là công việc mới, việc khó, nên phải thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai để tìm ra các giải pháp bảo đảm sự thống nhất về cách làm, sự kết nối thống nhất, đồng bộ giữa trung ương và địa phương.
Theo báo cáo, đến nay, cơ bản các bộ, ngành, cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 và bước đầu đạt kết quả. Từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ; các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương. Đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang dần hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong tháng 11/2019. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh được cải thiện; theo công bố chưa chính thức cuối tháng 3 năm 2019 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2018, Việt Nam xếp thứ 50/193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá về chỉ số an toàn, an ninh thông tin (tăng 50 bậc so với năm 2017).
Hội nghị đánh giá việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử nhìn nhận: Một số nội dung chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ; tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện, một số hệ thống đã triển khai nhưng việc khai thác, sử dụng chưa hiệu quả; vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế. Việc đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản điện tử chưa được đồng bộ; thể thức, hình thức ký số văn bản của các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất theo quy định. Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tại một số địa phương chưa bảo đảm các chức năng. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn khá thấp, địa phương đạt tỉ lệ 15% còn các bộ, ngành đạt gần 29%.
Trong những tháng cuối năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg; xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, nhất là Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển Chính quyền điện tử giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hàng năm, Văn phòng Chính phủ cùng thường trực Tổ công tác đánh giá các rủi ro và đề xuất các giải pháp giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp các kiến nghị của các ngành, các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm trả lời. Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác thường xuyên đôn đốc chủ trương xây dựng Chính quyền điện tử, “cơ quan nào, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý thì công cuộc này mới thành công” - Thủ tướng nêu rõ.
Kim Loan