A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 4/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tại điểm cầu Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tham dự Hội nghị.

Quang cảnh điểm cầu Bình Định

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ ngày 1/2 - 3/3/2019, bệnh xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; sử dụng thức ăn thừa và do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền để bà con không bán tháo và quay lưng với heo sạch. Thủ tướng nêu rõ, giao kinh phí hỗ trợ cho địa phương tổ chức thực hiện, tự chịu trách nhiệm là tốt nhất. Phải nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, để tránh tình trạng “tiêu hủy 5 con lợn thì khai 8 con, không có dịch mà nói có dịch”. Bên cạnh đó, cần giám sát thực hiện để bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.

Tại Bình Định, UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn xâm nhập bệnh dịch tả lợn châu Phi và phòng chống dịch bệnh động vật. Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền và tập huấn ứng phó và khai báo khi có tình hình dịch diễn ra; chỉ đạo tập trung phát hiện và tiêu hủy kịp thời khi có lợn bị bệnh theo chính sách của tỉnh đã ban hành; tổ chức tiêu độc sát trùng trên toàn tỉnh; tăng cường kiểm tra dịch vận chuyển tại gốc, phương tiện vận chuyển trên Quốc lộ, kiểm soát giết mổ ở các điểm giết mổ và ở chợ;…

KY


Tin nổi bật Tin nổi bật