A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020

Sáng nay (07.3), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình – Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai “Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP”. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng tham dự hội nghị (ảnh).

Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2016, các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phòng, chống tội phạm và theo đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác này. Cụ thể: số vụ phạm pháp hình sự giảm 4,4%; tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78,07% (vượt 3,07%); tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm đạt 90,15% (tăng 0,15%); triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; điều tra khám phá, làm rõ hầu hết các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 đề ra mục tiêu kiềm chế, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 3 – 5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016, giảm từ 15% – 20% số vụ án do người chưa thành niên thực hiện và giảm từ 5 – 7% tội phạm xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên; tăng 5 – 10% tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng trên tổng số vụ việc được phát hiện; tăng 5 – 10% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ; giải quyết, xét xử các vụ án hình sự từ 95% trở lên. Phấn đấu giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%; tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm cho 100% người chấp hành xong án phạt tù…

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên, Chương trình nêu rõ cần tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung Kết luận 05, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thủ trưởng các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm. Tăng cường mối quan hệ phối hợp liên ngành trong công tác này. Nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm; chú trọng phòng ngừa tội phạm, nhất là công tác phòng ngừa xã hội, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phòng, chống tội phạm tại cộng đồng dân cư…

Riêng năm 2017, hội nghị xác định cần tập trung lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tội phạm lộng hành, giảm tội phạm so với năm 2016. Trong đó, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% trên tổng số án khởi tố; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt trên 90%; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là Hội nghị lãnh đạo cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 tại Việt Nam.

Theo ubndbinhdinh.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật