A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 08/01, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã đồng chủ trì hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Tại điểm cầu Bình Định: Chánh Văn Phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan cùng tham dự hội thảo.

Điểm cầu Bình Định

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ những chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản để phát triển Chính phủ số, trong đó có việc thành lập Cục Kỹ thuật số; kinh nghiệm chuyển đổi số tại một số địa phương của Nhật Bản; kinh nghiệm số hóa dịch vụ công và thủ tục hành chính cũng như giải pháp xây dựng chính sách sử dụng Trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio khẳng định: Chính phủ Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong phạm vi có thể để phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, với cải cách hành chính và thủ tục hành chính; nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân làm thước đo quan trọng và hiệu quả của Chính phủ điện tử nói riêng và của Chính phủ Việt Nam nói chung.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện quyết liệt các giải pháp như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; triển khai các ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành tại Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, đã xây dựng, vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng quan trọng của Chính phủ điện tử làm thay đổi mạnh mẽ phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như giải quyết thủ tục hành chính hướng tới doanh nghiệp, người dân. Từ khi được khai trương (3/2019) đến nay, đã có 3,8 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia; tiết kiệm 1.200 tỉ đồng/năm. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (khai trương tháng 6/2019) đã phục vụ 26 phiên họp Chính phủ, trao đổi 624 phiếu lấy ý kiến, thay thế 238.000 hồ sơ giấy; tiết kiệm 169 tỉ đồng/năm. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ (khai trương tháng 8/2020) đã được kết nối với 51 bộ, cơ quan với 26 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiết kiệm 460 tỉ đồng/năm. Cổng Dịch vụ công quốc gia (khai trương tháng 12/2019) đã được tích hợp, kết nối 2.762 dịch vụ với gần 423.000 tài khoản và trên 100 triệu lượt truy cập; tiết kiệm 8.000 tỉ đồng/năm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội thảo tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Giang Phan (baochinhphu.vn)

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ xác định phát triển Chính phủ điện tử là xu hướng chung và tất yếu của tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Đây là xu thế lớn đối với vấn đề cải cách, vấn đề giảm chi phí thực hiện, là dư địa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Từ kinh nghiệm và những chính sách mới của Nhật Bản, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong nước cùng trao đổi, nghiên cứu và ứng dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của từng bộ, cơ quan, địa phương. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử; gương mẫu đi đầu trong sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai chất lượng công việc. Đẩy mạnh xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, môi trường mạng; tăng cường kết nối liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong đó tập trung triển khai nhân rộng hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Triển khai hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục, kết nối; chia sẻ cơ sở dữ liệu chung, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, tập trung triển khai hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả của bạn bè quốc tế nói chung và Chính phủ Nhật Bản nói riêng, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tử, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Đây là hội thảo lần thứ 3 giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển chính phủ điện tử và là một trong các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong lĩnh vực triển khai Chính phủ điện tử.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật