Họp Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử
Quang cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo đã xem xét, cho ý kiến các dự thảo: Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số tỉnh Bình Định năm 2021; Tờ trình về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022.
Theo báo cáo tại cuộc họp, năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành chủ trương, chính sách, quy định cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử tỉnh Bình Định. Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đã được triển khai đến cấp xã và cơ bản đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung tạo nền tảng phát triển ứng dụng CNTT đã được hình thành như: Hệ thống văn bản chỉ đạo và điều hành; Hệ thống cổng dịch vụ công và một cửa điện tử… Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương đã quan tâm đầu tư cho ứng dụng CNTT; 100% sở ngành và UBND cấp huyện đã có Cổng/Trang TTĐT để cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt 100%. Việc sử dụng Phần mềm Một cửa điện tử để tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả tích cực, phục vụ tốt cho công tác kiểm soát, giám sát; qua đó, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; trong đó, đề ra các giải pháp, đề án và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ban, ngành, địa phương. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT; xây dựng Kho dữ liệu số tỉnh Bình Định; khẩn trương hoàn thiện Đề án tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.
Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các cấp, các ngành thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt là đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử.
Văn phòng UBND tỉnh nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh về đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới; sớm hoàn thiện, đưa vào hoạt động hệ thống phòng họp không giấy (E-Cabinet) tại Văn phòng UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương quan tâm, bố trí kinh phí theo quy định để đảm bảo triển khai kế hoạch các nhiệm vụ về thông tin và truyền thông, nhất là các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động các cơ quan nhà nước của tỉnh; hoạt động thông tin tuyên truyền trong năm 2022./.
Kim Loan