Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để chương trình được thực hiện hiệu quả.
Theo báo cáo tại Hội nghị, từ khi triển khai thực hiện đến nay, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.483 người sử dụng lao động với số tiền 3.753 tỷ đồng để trả lương cho 964.562 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Bên cạnh đó, với mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại 10.429 điểm giao dịch xã, NHCSXH đã huy động được 266.157 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến nay đạt 251.200 tỷ đồng với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Theo Nghị quyết, NHCSXH được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 – 2023), gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của NHCSXH trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nêu rõ, do tác động nặng nề của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế đất nước, lãnh đạo Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đây là một chương trình rất khó. Ngày 11/1/2022, trong kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thông qua chương trình này. Sau 19 ngày, đến ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP nhằm triển khai sớm chương trình này, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ nhằm nhanh chóng triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người lao động, người nghèo,... vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch.
Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết 11/NQ-CP giao NHCSXH triển khai các chương trình với tổng số tiền 38.400 tỷ đồng (trong đó có khoảng 25.000 tỷ đã có chính sách), Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH phải phối hợp với các bộ, ngành, bám sát các chỉ đạo của cấp trên, nhanh chóng rà soát, sớm hoàn thiện các chính sách và tổ chức triển khai các chương trình nhanh, hiệu quả, vì nền kinh tế đất nước đang bị tổn thương, không để lâu, gây bất lợi cho người lao động, bất lợi cho đất nước.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi để nhân dân và các đối tượng được thụ hưởng chính sách biết, thực hiện và giám sát bảo đảm công khai, công khai, minh bạch, phục vụ cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội./.
LKY