A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Hội nghị khoa học quốc tế

Sáng nay (4.7), Hội nghị khoa học quốc tế “Cấu trúc lớn và dòng chảy thiên hà” đã khai mạc tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh; giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam; hơn 70 đại biểu và các nhà khoa học đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Quang cảnh Hội nghị khoa học quốc tế “Cấu trúc lớn và dòng chảy thiên hà” khai mạc sáng 4.7 tại Trung tâm ICISE. Ảnh: Văn Lưu

“Cấu trúc lớn và dòng chảy thiên hà”

Đây là hội nghị thứ 2 trong chuỗi sự kiện của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016. Diễn ra trong 6 ngày (từ nay đến ngày 9.7), các nhà khoa học sẽ cùng trao đổi về những kết quả nghiên cứu xoay quanh “Cấu trúc lớn và dòng chảy thiên hà”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chia sẻ tại Hội nghị: “Hội nghị khoa học quốc tế lần này là diễn đàn để các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi, công bố về những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực vật lý thiên văn; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trong nghiên cứu giữa các nhà khoa học”. Ảnh Thu Hiền

Giáo sư Roland Triay (Đại học Massey, Pháp) - chủ trì Hội nghị - diễn giải: theo mô hình phân cấp các cụm, những chuyển động lệch do vũ trụ giãn nở đã phát sinh khi vật chất tách thành các chế độ cao và thấp. Nói theo cách khác, chúng ta đã có thể xác định những chuyển động lệch phát sinh từ việc quan sát sự phân bố các thiên hà, hoặc sự phân bố vật chất từ việc quan sát chuyển động của các thiên hà. Đó là một thành công cơ bản của mô hình, mà hai phương pháp luận sử dụng trong mô hình ấy hầu như đã được các nhà thiên văn học công nhận rộng rãi.

Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam - phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Thu Hiền

Giáo sư Roland Triay cho biết: “Chủ đề của Hội nghị quốc tế về vật lý thiên văn lần này rất quan trọng, thể hiện sự hứng thú ngày càng tăng của các nhà khoa học trên toàn thế giới. Đó cũng là cơ hội tốt để quy tụ các nhà khoa học từ vùng châu Á Thái Bình Dương sẵn sàng, hoặc đã chuẩn bị tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học này. Với các nhà khoa học trẻ, họ đến diễn đàn để trao đổi về vật lý vũ trụ - vấn đề đang nóng hiện nay”.

Hội nghị thu hút hơn 70 nhà khoa học đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh Văn Lưu

Truyền cảm hứng và niềm đam mê với khoa học

Điểm chung của các nhà khoa học tham dự các hội nghị khoa học quốc tế diễn ra tại Trung tâm ICISE là sự yêu thích và đam mê với khoa học. Không ít trong số họ vẫn còn rất trẻ. Không quá xa lạ khi bắt gặp nhiều bạn trẻ lỉnh kỉnh những thiết bị nghiên cứu, chăm chú và nghiêm túc lắng nghe các giáo sư trình bày kết quả nghiên cứu của mình.

Giáo sư Roland Triay (Đại học Massey, Pháp) - chủ trì Hội nghị - cho rằng, chủ đề của Hội nghị quốc tế về vật lý thiên văn lần này rất quan trọng, thể hiện sự hứng thú ngày càng tăng của các nhà khoa học trên toàn thế giới. Ảnh Thu Hiền

Cũng không thiếu trong số ấy những nhà khoa học đã luống tuổi với sự cống hiến hết mình cho khoa học. 68 tuổi, bệnh đột quỵ của 13 trước để lại di chứng bên phía tay phải, phải đi gậy, nhưng giáo sư Davis Mars (đến từ Mỹ) vẫn không thôi háo hức vượt chặng đường xa tới hội nghị khoa học lần này. “Tôi đã nghỉ hưu rồi, nhưng vẫn một niềm say mê với khoa học. Tôi muốn đến Việt Nam lần này để truyền lại niềm đam mê ấy và cảm hứng ấy đến các nhà khoa học trẻ, các  bạn sinh viên, tiếp thêm niềm tin trên con đường khoa học”.

4 năm, giáo sư Davis Mars lần đầu tiên cùng vợ đặt chân đến đất nước Việt Nam. “Cảm nhận của tôi về Việt Nam là một đất nước hiền hòa và rất xinh đẹp. Tôi đã rất vui khi quay trở lại việt Nam lần này” - vị giáo sư đến từ nước Mỹ vui vẻ nói.

Tại Hội nghị, trong lời phát biểu chào mừng ở vị trí của “chủ nhà”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chia sẻ cùng bạn bè năm châu về tầm quan trọng và động lực của khoa học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Giáo sư Davis Mars trở lại Việt Nam (bên phải) háo hức khi trở lại Việt Nam lần thứ hai để chia sẻ niềm đam mê và cảm hứng đặc biệt với khoa học đến các nhà khoa học trẻ, các bạn sinh viên. Ảnh Thu Hiền

Trong những năm qua, Bình Định đã nỗ lực xây dựng, mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng và cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh phát triển kinh tế, Bình Định rất quan tâm đến phát triển khoa học và bằng chứng là sự ra đời của Trung tâm ICISE. Tại Trung tâm này, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế với sự tham dự của đông đảo các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu thế giới, đặc biệt đã có 7 giáo sư đoạt giải Nobel về tham dự và thuyết trình tại các hội nghị khoa học.

Các đại biểu và nhà khoa học dự Hội nghị chụp hình lưu niệm tại Trung tâm ICISE. Ảnh Văn Lưu

Hiện nay, tỉnh Bình Định đang tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Trung tâm ICISE trong việc triển khai giai đoạn II của dự án và cam kết sẽ đồng hành cùng Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam trong việc đẩy mạnh phát triển khoa học.

“Hội nghị khoa học quốc tế lần này là diễn đàn để các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi, công bố về những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực vật lý thiên văn; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trong nghiên cứu giữa các nhà khoa học; đồng thời, củng cố, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Tôi hy vọng qua hội nghị này, không chỉ là cơ hội giao lưu trao đổi khoa học mà quý vị sẽ có thêm sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và con người Bình Định” - ông Trần Châu nhấn mạnh.

Theo THU HIỀN (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật