Khẩn trương khôi phục sản xuất sau mưa lũ
Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh KL.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thời tiết của vụ sản xuất ĐX diễn biến bất thường, từ ngày 30.10 - 16.12.2016 khu vực Bình Ðịnh xảy ra 5 đợt mưa lũ lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của người dân. Cụ thể mưa lũ làm 21.727 ha diện tích lúa, 3.644 ha diện tích ngô và rau màu; 993 ha cây công nghiệp; 113,5 ha cây ăn quả lâu năm bị hư hại. Tổng thiệt hại trên 54 tỉ đồng. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt Ngành Nông nghiệp và các địa phương chủ động mua và cấp cho nông dân 2.371 tấn lúa giống hỗ trợ cho diện tích 20.596 ha với tổng kinh phí mua lúa giống gần 40 tỉ đồng. Tập trung huy động các nguồn lực để khắc phục các diện tích bị sa bồi thủy phá, sửa chữa các hồ chứa nước, hệ thống kênh mương bị hư hỏng để kịp thời gieo sạ vụ ĐX.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 1 đến đầu tháng 2.2017 trên địa bàn tỉnh có mưa, một số nơi có mưa vừa, mưa to, kết hợp triều cường dâng cao, gây ngập úng nhiều diện tích lúa vụ ĐX chân 2 vụ trà muộn. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tổng diện tích lúa bị ngập úng 1.841,5 ha, trong đó khả năng phải sạ lại 986,5 ha, tập trung ở Tuy Phước, Phù Cát, TP Quy Nhơn. Hiện còn trên 500 ha ruộng chưa gieo sạ do còn bị ngập nước, khả năng không thể sản xuất được trong vụ ÐX do nước rút chậm, muộn thời vụ gieo sạ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương rà soát diện tích lúa, hoa màu... bị thiệt hại để hỗ trợ theo Quyết định 142/2009 và Quyết định số 49/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Hướng dẫn nông dân tiến hành chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu hại. Đối với diện tích lúa trà muộn đang bị ngập, xác định những vùng có thể tiếp tục gieo sạ thì khẩn trương gieo sạ sau khi nước rút nhưng không ảnh hưởng đến vụ sau và đảm bảo nước tưới cuối vụ. Đối với những diện tích muộn thời vụ, không thể điều tiết nước cuối vụ, vận động nông dân bỏ trống, chờ sản xuất vụ Thu và thống kê diện tích đề nghị hỗ trợ gạo cho nông dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị, Bộ NN&PTNT có cơ chế dự trữ giống cây trồng bằng tiền thay vì dự trữ bằng giống vì mỗi địa phương có cơ cấu giống cây trồng khác nhau; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng cạn khác như lạc, rau dưa các loại…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong việc chỉ đạo khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân, đồng thời đề nghị, đối với diện tích lúa bị ngập úng ngành Nông nghiệp tỉnh cần hướng dẫn cho nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc bảo vệ, riêng diện tích đất sản xuất không thể xuống giống được cần thực hiện chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo thu nhập cho nông dân. Đối với những kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét điều chỉnh cơ chế dự trữ giống và chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp hơn./.
N.T.T