A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỗi gương mặt là một “đóa hồng”

Tối 31.8, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh đã diễn ra Chương trình giao lưu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015, do UBND tỉnh tổ chức. Đây là một hoạt động trong Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bình Định lần thứ VI giai đoạn 2010-2015.

Các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giao lưu với khán giả. Ảnh: VĂN LƯU


Dịp này, chúng tôi đã gặp những điển hình tiên tiến về dự Đại hội. Họ chỉ là những người rất đỗi bình thường - một trưởng thôn, anh công nhân, nông dân, hay chị giáo viên... - nhưng hết mình với công việc, như những con ong thợ cần mẫn dâng đời những giọt mật ngọt lành.

Nông dân sản xuất giỏi ĐINH THỊ KẾ:



Không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước

Đây là tâm sự và cũng là quyết tâm của chị Đinh Thị Kế, người Hre, ở thôn 1 xã An Nghĩa, huyện An Lão, đi đầu trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi ở địa phương và giúp đỡ nhiều người cùng thoát nghèo.

Chị Kế chia sẻ: “Trước kia, nhà tôi nghèo lắm. Vậy rồi, sau khi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi tính toán làm ăn, học cách lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm trong gia đình mà đời sống đỡ dần lên”.

Chị Kế dành ra 6 ha đất rừng để trồng 15.000 gốc keo lai, làm 8 sào ruộng và nuôi thêm 6 con trâu sinh sản. Lấy ngắn nuôi dài, mỗi thứ một ít, sau 3 năm, gia đình chị thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Chị đã xây được ngôi nhà khang trang, sắm các vật dụng tiện nghi và nuôi dạy hai con ngoan ngoãn. 

“Tôi không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự tin vào khả năng của mình, chắt chiu làm ăn, cố gắng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với quyết tâm thoát nghèo, nhờ đó mà có được những kết quả như hôm nay”, chị tâm sự.

Với ước mong rằng, sẽ có thêm nhiều chị em biết cách tự vượt khó giống mình, chị Kế đã giúp 15 chị em trong thôn 50 triệu đồng không lãi, 200 kg lúa và cây giống các loại, 50 kg gạo để họ phát triển kinh tế gia đình. Gia đình chị 9 năm liền đạt Gia đình văn hóa xuất sắc, được UBND huyện khen thưởng.

HS HỒ TRUNG KIÊN, lớp 10 chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn: Muốn truyền lửa đam mê môn Toán



Chia sẻ cảm nghĩ của mình, cậu học sinh quê ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, xúc động: “Thật ra, còn có nhiều bạn khác giỏi hơn em, nên khi được chọn tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 em thấy rất tự hào. Nếu có cơ hội phát biểu tại Đại hội, em sẽ chia sẻ kinh nghiệm học Toán của mình, mong rằng sẽ có nhiều bạn sẽ thấy thích môn Toán như em”.

Suốt bậc THCS, Kiên là học sinh giỏi toàn diện. Riêng môn Toán, em lần lượt “rinh” hết các giải trong kỳ thi Violympic Toán cấp tỉnh. Năm lớp 9, Kiên đoạt giải Nhất cấp tỉnh và Huy chương Đồng Violympic Toán Quốc gia. Kỳ thi tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vừa qua, Kiên giành tới hai điểm 10 môn Toán. “Với em, học môn nào cũng cần sự tập trung cao, nhưng riêng với Toán, em đặc biệt say mê bởi nó có tính logic và đòi hỏi tư duy cao. Học Toán giúp em có thêm tính kiên trì”- Kiên nói.

Thầy Hồ Gia Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Đức, huyện Hoài Ân - trường cũ của Kiên, nhận xét: “Kiên là học sinh giỏi toàn diện trong học tập và các hoạt động khác, được thầy cô, bạn bè yêu mến. Nhà trường thường xuyên lấy em làm tấm gương để các bạn khác noi theo”.

 

Trưởng thôn BÙI THANH HÀ: Đầu tàu thực hiện xây dựng nông thôn mới 



Hơn 11 năm làm trưởng thôn Dĩnh Thạnh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, ông Bùi Thanh Hà luôn là người nói đi đôi với làm, có trách nhiệm, biết phát huy sức mạnh của dân thực hiện tốt các phong trào, tiêu biểu là xây dựng nông thôn mới.

Nhờ thực hiện công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, chỉ trong một thời gian ngắn, ông Hà đã vận động người dân thôn Dĩnh Thạnh góp công, sôi nổi cùng nhau xây dựng nông thôn mới. Cả thôn làm được 2 km kênh mương nội đồng để tưới tiêu 13 ha ruộng lúa, hiến 2.000 m2 đất, ruộng xây dựng đường, kênh mương. Ngoài ra, người dân Dĩnh Thạnh còn xây dựng được CLB dưỡng sinh, dòng họ Lê khuyến học có quỹ hoạt động trên 100 triệu đồng, 4 tổ tự quản ANTT… góp phần cùng với các thôn khác trong xã nhanh chóng đưa Tam Quan Bắc đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Ông Hà chia sẻ: “Trước hết, trưởng thôn phải gương mẫu, đầu tàu thực hiện, để người dân thấy, tin và ủng hộ, làm theo. Có vậy thì việc gì cũng thành công. Tôi và người dân trong thôn đều ý thức được những việc mình làm không chỉ nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của mỗi người, mỗi nhà mà lớn lao hơn là góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Sống giản dị, nhiệt tình; cần cù, tích cực trong sản xuất, ông Hà luôn được bà con trong thôn quý mến, tin yêu.

 Công nhân VÕ VĂN SINH: Thợ trẻ giỏi nghề



31 tuổi nhưng anh Võ Văn Sinh đã có 15 năm gắn bó với Công ty TNHH Đồ gỗ Viễn Thông Bình Định. Năm 2000, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Sinh nghỉ học và vào Công ty này học nghề. Chuyên cần và có khiếu, anh được Ban Giám đốc Công ty đánh giá cao và cất nhắc lên vị trí Tổ trưởng Tổ chạm khắc.

Anh Sinh tâm sự: “Trong sản xuất đồ gỗ, khâu chạm khắc được xem là khâu khó nhất, đòi hỏi người thợ phải đam mê nghề, kiên trì và có đôi tay khéo léo mới làm nên những sản phẩm đồ gỗ cao cấp. Có tay nghề giỏi như ngày hôm nay cũng là nhờ tôi được các thợ chạm khắc đồ gỗ giỏi nghề ở các tỉnh phía Bắc vào làm việc tại Công ty tận tình truyền dạy”.

Ông Lê Đông Quốc, Phó Giám đốc kỹ thuật kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty, nhận xét: Anh Sinh luôn tìm tòi để sáng tạo ra những mẫu sản phẩm đồ gỗ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đẹp về hình khối và tinh xảo qua từng nét chạm khắc. Bản thân anh cũng tự mày mò cải tiến các dụng cụ chạm khắc để sản phẩm sắc sảo hơn và tăng năng suất lao động gấp 2-3 lần. Mỗi năm, dưới sự hướng dẫn của anh, có 4-5 công nhân thành nghề. Với những thành tích trong lao động sản xuất, từ năm 2010 đến nay, anh Sinh đã được Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND tỉnh tặng Bằng khen.

 

Cô giáo HUỲNH THỊ PHƯỢNG HIỀN: Tìm tòi sáng tạo, khơi gợi hứng thú của học sinh

Bằng đam mê và trách nhiệm, cô giáo Huỳnh Thị Phượng Hiền (ngồi giữa), giáo viên Văn Trường THCS Ngô Mây, TP Quy Nhơn, đã tạo được sự thích thú với môn Văn cho nhiều học sinh, thậm chí còn khơi được “mạch Văn” ở một số em thực sự có khiếu văn chương, như em Trần Thị Mỹ Triều, hai lần đoạt giải trong cuộc thi viết thư UPU cấp tỉnh và Quốc gia. Chị cũng “có duyên” khi bồi dưỡng học sinh giỏi Văn đi thi cấp tỉnh.

27 năm trong nghề, chị đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh. Không thích dạy theo trong khuôn mẫu, nhàm chán, cô giáo Hiền luôn có ý thức tìm tòi, thay đổi phương pháp dạy để học sinh thấy hứng thú hơn, tham gia tích cực hơn trong mỗi bài học. Như trong sáng kiến kinh nghiệm “Giúp học sinh ứng dụng CNTT trong học tập” (đã nhân rộng toàn thành phố), học sinh chủ động cùng cô giáo trong tìm nguồn tài liệu, soạn văn bản, thuyết trình. 10 năm qua, chị viết được 7 sáng kiến kinh nghiệm dạy học được ngành Giáo dục TP Quy Nhơn đánh giá cao. Chị và các đồng nghiệp đang triển khai thí điểm nhằm nhân rộng Đề tài “Học theo hợp đồng” cấp thành phố hướng đến giúp học sinh có thể tiếp thu bài học theo hết khả năng của mình.

Chị tâm sự: “Mỗi lần thấy mắt học sinh sáng lên là tôi biết các em có hứng thú với tiết học. Để mỗi tiết học đều lôi cuốn, giáo viên phải luôn tìm tòi sáng tạo, biết khơi gợi hứng thú cho các em. Cô thương trò, tận tâm trong mỗi bài giảng thì trò sẽ thương mình, học hăng say hơn”.

Giai đoạn 2010-2015, cô giáo Hiền đã 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 lần đạt danh hiếu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được UBND TP Quy Nhơn và UBND tỉnh tặng Bằng khen.

NHÓM PV - CTV (Theo baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật