Người anh hùng mang cốt cách văn nhân
Mùa xuân 1959, cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh diễn ra vang dội ở núi rừng miền Tây Bình Định. Sự bùng nổ này hình thành và phát triển từ nhân dân 12 làng thuộc xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo đưa phụ nữ, người già, trẻ em rút vào làng bí mật trong rừng sâu; thanh niên, du kích ở lại tự vũ trang, gài mang cung, bẫy đá, cắm chông, rào tất cả lối đi, hình thành làng chiến đấu đương đầu với đối phương đang dùng mọi thủ đoạn nhằm dồn dân lập ấp.
Đồng chí Nguyễn Văn Thiện - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (bên trái) chúc sức khỏe đồng chí Nguyễn Trung Tín (Ảnh: Báo Bình Định) .
Sự lan tỏa tiếp tục những ngày tháng tiếp theo, đồng loạt hơn 50 làng của huyện Vĩnh Thạnh đã nhất tề đứng lên bẻ gãy các cuộc càn quét, đập tan âm mưu dồn dân của địch, giành quyền làm chủ trên địa bàn toàn huyện, là đỉnh cao của cuộc khởi nghĩa dùng vũ khí thô sơ chống lại trang bị hiện đại, lấy ý chí quyết tâm vượt qua mọi thế lực cường bạo. Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Trung Tín, tức Bá Kring, linh hồn của cuộc khởi nghĩa, đã trở thành niềm tự hào của quân dân Bình Định, đồng thời là nỗi khiếp đảm của kẻ thù từ đó và mãi về sau, cho đến ngày cuộc kháng chiến hoàn toàn thắng lợi.
Tôi đã vinh hạnh gặp Bá Kring và có nhiều kỷ niệm với vùng đất Vĩnh Thạnh từ những lần đi thực tế lấy tư liệu và hô hấp không khí để viết về cuộc khởi nghĩa này, khi cơ quan tôi chủ trì tổ chức các tập sách “Sông Kôn”, “Đất và người đánh chiêng”, Những cần rượu trong trăng”… Những ngày lặn lội khoai sắn rẫy nương, bếp hồng rượu ngọt với đồng bào Bana Kriêm và nghe các “ bá, mí, nhâng, mai” (cha, mẹ, anh, chị) nhân chứng của chiến tranh kể chuyện, đã giúp tôi hoàn thành nhiều tác phẩm như “Nơi chim về làm tổ”, “Nhà sàn”, “Rượu cần” và đặc biệt là bản trường ca “Krông Bung mùa ong lấy mật”: “Những bảo tàng nào của mai sau - Sẽ dựng được cuộc họp các anh giữa Sò Đo, Kon Klot - Sẽ vẽ lại gương mặt người quả quyết - Trong bão giông bám rẫy, bám làng - Nhà điêu khắc nào sẽ tạc lại cho cháu con ngọn lửa trung kiên - Ánh mắt Bá Kring thẳm sâu thời đầu trần chân đất - Nụ cười Bá Bang những tháng năm địch muốn biến làng buôn ta thành nước mắt - Đồng bào tin biết bao mối tình Bahnar- Kinh - Đồng bào tin biết bao lời nói các anh - Những người uống nước suối ăn rau rừng, căng tai đóng khố- Trong bóng tối lặng thầm đói khổ - Xé đêm tàn mở hướng bình minh - Sẽ có ngày chúng ta kéo về bóng cờ hồng bay rợp biển xanh - Sẽ có ngày chúng ta nắm tay nhau khoan thai hát trên phố đẹp - Nhưng đêm nay - Tạm thời chúng ta rút vào làng bí mật- Những tín hiệu lạ lùng những bóng người du kích - Những phòng tuyến liên hoàn qua bến nước, ngõ sân - Địch vẫn rã mồm thúc ép dồn dân - “Đi rồi rẫy nương ai giữ - Vườn tược voi phá thành lầy hoang”- Năm 58, Tỉnh ủy về họp ở Đắk Mang - Năm 59 về họp nơi Nước Trú - Mùa Xuân ơi, đồng bào ơi, đứng dậy!”
Năm 1989, sau ngày tách tỉnh, chúng tôi được làm việc với ông khi ông ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy, chỉ thị thành lập Ban phụ trách lâm thời tập họp văn nghệ sĩ tiến tới đại hội Văn học Nghệ thuật Bình Định lần thứ I. Sau đó, tôi đưa đoàn làm phim của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương về làm việc trực tiếp với ông, trình bày ý đồ đề họ thực hiện bộ phim “Ai về Bình Định”. Qua những lần nghe ông chỉ đạo về công việc của Hội cũng như cho ý kiến về đề cương, về các chi tiết cần đưa vào bộ phim tư liệu, ấn tượng về ông đọng lại trong tôi là cốt cách văn nhân trong một chính khách, nhẹ nhàng, khoan thai và rất giầu hiểu biết về lịch sử văn hóa Bình Định, về chức năng, sứ mạng của người nghệ sĩ và tác phẩm.
Đồng chí Nguyễn Trung Tín (người quàng khăn, ngồi giữa ở hàng trước) thăm báo Nghĩa Bình (Ảnh: Báo Bình Định).
Những lần gặp gỡ hiếm hoi sau này, bên tách trà nóng, ông nhận xét một số tác giả tác phẩm trong tập “Thơ Bình Định thế kỷ XX” và tạp chí Văn nghệ Bình Định với sự trọng thị chỉ có ở người liên tài. Ông đã nói với tôi rằng ông rất thích các bài viết tổng quan về lịch sử văn hóa Bình Định với văn phong nghệ thuật, vì “chất văn” dễ đi vào lòng người, không khô khan đơn điệu. Ông giải thích thêm, những bài như thế, dù người đọc không chuyên về văn chương, chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với tác giả tác phẩm, vẫn có thể nắm bắt tinh hoa truyền thống và hiện đại của Bình Định.
Tôi không ngạc nhiên, dù hình ảnh ông lộng lẫy trong tâm thức tôi là một vị anh hùng - người của khói lửa bom đạn và tiếng gầm thét của cuộc cách mạng long trời lở đất đánh Pháp, đuổi Mỹ - lại có giọng nói từ tốn, nhỏ nhẹ, quan tâm đến các vấn đề vi tế của văn hóa cổ truyền và đương truyền, dân tộc và quốc tế. Ông thuộc lớp người dòng dõi danh gia vọng tộc, được đào tạo bài bản với trường lớp quy củ trước 1945, bạn thân của các danh sĩ Bình Định như nhà báo Lê Bá Thuyên, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Nguyễn Thành Long thời học College de Quy Nhơn; anh em cô cậu với PGS.TS, nhà văn Nguyễn Văn Lân và nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Ông là hậu duệ của Đề binh Nguyễn Trung Thuận, người dốc lòng dưới trướng Đại Nguyên soái Mai Xuân Thưởng một thời làm quân Pháp kinh hồn bạt vía. Cụ thân sinh ông là Nguyễn Trung Lượng, tục gọi xã Trủng, một chức sắc thời phong kiến nhưng dạt dào lòng yêu nước thương dân, để lại tình cảm sâu sắc trong làng ngoài xã. Mảnh đất quê nhà Tây Sơn thượng đạo với những ngọn lửa bất diệt để lại từ truyền thống phong trào khởi nghĩa nông dân của Tây Sơn Tam kiệt, từ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX với khí phách “Chết nào có sợ chết như chơi- Chết bởi vì dân chết bởi thời- Chết hiếu chi nài xương thịt nát- Chết trung bao quản cổ đầu rơi- Chết nhân tiếng để vang ngàn thuở- Chết nghĩa bia thơm rạng mấy đời- Thà chịu chết vinh hơn sống nhục- Chết nào có sợ chết như chơi”, những đêm hát hơmon kỳ vĩ với những dũng sĩ biết bay cứu người yêu, cứu buôn làng, dường như còn âm ỉ dưới những tầng đá sâu, trong lòng dòng sông Côn vĩ đại, trên đỉnh ngọn Yang Điêng kiêu hùng…Những phẩm chất ấy như ngọc quý giữa thời gian, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đặt giữa lồng ngực của những chàng trai thông minh quả cảm đối diện với mệnh nước nổi trôi, khắc tạc trong thời cuộc bóng dáng những anh hùng.
Bá Kring, cánh chim phượng hoàng như tên gọi mà cộng đồng Bahnar Kriêm dành cho ông bằng những thân thương trìu mến, giờ đây đã đi vào cõi trời với tuổi 92, nhưng cuộc dấn thân và sự nghiệp ông để lại cho nước non này, sông núi này, không dễ mờ phai theo năm tháng. Có mối liên hệ nào giữa con phượng hoàng Tây Sơn thượng đạo với chiều kích hoành tráng của con phượng hoàng trong đời sống văn hóa Á Đông? Phải chăng đó là mối liên hệ diệu vợi của những hằng số văn hóa bốn phương, mà nhân dân dùng để tôn vinh nhân vật xuất chúng trong cộng đồng. Biệt danh Bá Kring của ông bắt đầu từ những điều giản đơn mà cao cả như vậy, giữa một bối cảnh đầy thử thách. Xét đến cùng, ngọn lửa bất diệt từ khởi nghĩa Vĩnh Thạnh chính là hào quang của hoài bão độc lập tự do của một đất nước, lòng tự tôn của cộng đồng dân tộc Việt Nam, chặng đường khói lửa trong hành trình thống nhất, hòa bình.
Gần đây, khi tôi đang dự lớp An ninh Quốc phòng ở Trường Quân sự Khu 5, ông đã quan tâm gọi, và tôi đã không quản ngại đường xa, về nghe ông một buổi nói chuyện về giai đoạn ông cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào để tổ chức và chỉ huy cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh. Và tôi tự hào, từ những tri thức thực địa, kinh nghiệm trận mạc của ông truyền lại, tôi đã bổ sung bản thu hoạch của mình thật phong phú, đa dạng. Trong chiến tranh, thời nào cũng vậy, ý chí bản lĩnh là quan trọng, nhưng sự nhân bản thể hiện được trong hoàn cảnh sống còn, lại quan trọng gấp bội và không dề ai cũng có. Điều này, trong những năm cuối đời, thỉnh thoảng ông hay gọi điện thoại cho tôi, lên nhà, ngồi trò chuyện về những mẩu chuyện về thái độ sống, lòng dân, sự tiết kiệm xương máu đồng bào đồng đội trong quan điểm người chỉ huy, một thời gian khổ và hào hùng, tôi càng thấm thía thêm nhiều.
Một điều rất biện chứng mà tôi nhận ra, ông là một trong những nhà lãnh đạo có cái thú đọc sách. Tôi rất cảm kích về chuyện ông đọc nhiều và đối chiếu thực tế cuộc đời, trò chuyện với thế hệ sau những lời hay ý đẹp của tri thức, đó là thói quen bình thường của một người thuộc dòng dõi thế gia, một người có căn bản học vấn. Gần đây nhất, sáng 28.3.2015, tôi gọi điện xin phép và ông đồng ý để tôi đưa đoàn làm phim tư liệu của VTV1 do nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam vào phỏng vấn ông về những ngày lịch sử cách đây 40 năm. Hôm đó, khi biên tập viên Nguyễn Thanh Hương hỏi, tôi phải ngồi bên cạnh “dịch” bằng cách khuyếch đại âm thanh một vài từ quan trọng lên vì tai ông đã hơi yếu, để ông nắm rõ ý mà trả lời. Tinh thần ông khi ấy vẫn đầy sáng suốt, minh mẫn. Tôi nghĩ, đây có lẽ là những thước phim cuối cùng quay khi ông còn tại thế.
Như mọi nhân vật của thời đại ở quê hương Bình Định, khi Bá Kring Nguyễn Trung Tín ra đi, lịch sử địa phương sẽ ghi khắc công trạng, chức vụ, huân huy chương của ông với lòng thành kính. Tôi muốn nói thêm, tấm huân chương cao nhất mà ông có được là từ lòng dân, từ đồng bào vùng thượng nguồn Sông Côn trao ông ngày ông là một vị anh hùng trẻ tuổi, là tấm lòng nhân dân Bình Định và bạn bè bốn phương dành cho ông, khi ông đội mưa bom bão đạn băng qua cuộc chiến khốc liệt từ hậu cứ Tỉnh ủy qua tiền phương - từ Vĩnh Thạnh, Cát Sơn xuống Núi Bà; từ Khu Đông hiên ngang về thủ phủ Quy Nhơn… Huân nghiệp của võ công trong thời chiến đã tiếp hào khí cho cống hiến trong thời bình, đức độ, ân uy, chiêu hiền đãi sĩ, vì sự nghiệp gánh vác, trong đó đặc biệt vì truyền thống văn hóa đặc sắc của “đất võ trời văn”. Đương nhiên ai cũng biết, đây là một giai đoạn không bẫy ná chông thò đối diện với thiết giáp chiến xa, nhưng quả không hề dễ dàng.
Tôi xin gọi ông, người anh hùng mang cốt cách văn nhân…
NGUYỄN THANH MỪNG