A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn

Xây dựng Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn thành một cơ sở giáo dục chất lượng cao, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đồng thời tăng trách nhiệm giải trình trước xã hội và không làm giảm cơ hội tiếp cận học nghề tại Trường của các đối tượng chính sách.


Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn

Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn giai đoạn 2016 - 2019 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 540/QĐ-TTg.

Theo đó, Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo.

Trường được quyết định mở các nghề đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng phù hợp với quy định và điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo về chương trình, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo của Trường, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tổ chức tuyển sinh theo quy định, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học; khuyến khích việc ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học gắn với thị trường và nhu cầu xã hội; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo.

Trường cũng được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, nhân sự, trong đó, Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của Trường, có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 11 của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Hội đồng trường bầu Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Trường được quyết định tiêu chuẩn, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự làm công tác quản lý của Trường; quyết định cơ cấu và số lượng người làm việc; tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng trên cơ sở quy chế và chủ trương được Hội đồng trường thông qua, phù hợp với yêu cầu phát triển của Trường; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Học phí tối đa năm học 2016 - 2017 là 16 triệu đồng/người học/năm

Trường thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ và quy định tại Quyết định này. Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ trung cấp năm 2016 - 2017 là 14 triệu đồng/người học/năm, trình độ cao đẳng là 16 triệu đồng/người học/năm.

Trường thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm nghề, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân (của các chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của Trường theo quy định tại Quyết định này.

Đối với các đối tượng đã nhập học trước 4/4/2016, Trường thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 30% học phí của năm trước liền kề kể từ 4/4/2016.

Ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, Trường quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định, theo Quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm công bằng và minh bạch.

Theo Hoàng Diên (chinhphu.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật