A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Xây dựng đô thị khoa học và giáo dục tại Quy Nhơn là bước đi mạnh dạn, tiên phong”

Tiếp tục chuyến công tác tại Bình Định, sáng 6.5, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm Tổ hợp Không gian khoa học (THKGKH) và Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), tại TP Quy Nhơn. Cùng đi với đoàn, về phía Trung ương có đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo tỉnh có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Giáo sư Trần Thanh Vân đã giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ về THKGKH và Trung tâm ICISE. Giáo sư Trần Thanh Vân, bày tỏ niềm vui và niềm vinh dự về sự ủng hộ của Chính phủ, sự hỗ trợ nhiệt huyết của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Trung tâm ICISE được khánh thành từ tháng 8.2013. Từ đó đến nay, trung tâm đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao, 16 trường học Khoa học chuyên đề với hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 giáo sư nhận giải Nobel đến Bình Định. Việc thành lập Trung tâm ICISE đã góp phần phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ sinh viên, các nhà khoa học trẻ Châu Á hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. Còn THKGKH được khởi công từ tháng 7.2015, hiện nay cơ bản đã được hoàn thành, đây là công trình khoa học đại chúng đầu tiên ở Việt Nam. THKGKH đóng vai trò đưa khoa học đến với quần chúng và phát triển tình yêu khoa học cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Thủ tướng tặng quà lưu niệm cho vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân. Ảnh: VĂN LƯU

Giáo sư Trần Thanh Vân cũng bày tỏ mong muốn được Chính phủ quan tâm tạo điều kiện giúp tỉnh Bình Định xây dựng đô thị khoa học để phát huy tiềm năng khoa học của vùng. Đặc biệt là  Bộ KH&CN thành lập các viện hoặc trung tâm nghiên cứu ngay tại đây để phát huy tối đa nguồn chất xám từ các nhà khoa học quốc tế đến dự hội nghị tại Trung tâm ICISE.

Trao đổi với vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và các nhà khoa học tại các nơi đến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Trung tâm ICISE đã đạt được, góp phần dần hình thành một cơ sở nghiên cứu khoa học lớn và một định hướng về thành phố, đô thị khoa học. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh và đặc biệt đánh giá cao việc đưa khoa học gần gũi với giáo dục đào tạo. “Hai vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân là hình mẫu, biểu tượng cho những người trí thức hết mình yêu đất nước, yêu khoa học, đưa tiến bộ khoa học về Việt Nam kể cả khi tuổi đã cao. Đây là tấm gương để thế hệ trẻ ra sức học tập, phấn đấu noi theo để đóng góp cho khoa học nước nhà ngày càng phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Thủ tướng tham quan các trò chơi gắn liền với một nguyên tắc, định lí trong toán học, vật lí được đưa vào hoạt động tại Tổ hợp không gian khoa học. Ảnh: VĂN LƯU


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận rằng, Trung tâm ICISE và THKGKH đã hình thành một tuyến trải nghiệm về khoa học, không gian, kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, độc đáo, mới lạ toàn “màu xanh” mà ít nơi nào có được. Hơn nữa, tại Trung tâm ICISE đã tổ chức nhiều sự kiện khoa học quốc tế lớn, điều đó làm cho nhiều nhà khoa học danh tiếng thế giới biết nhiều hơn đến Việt Nam và đặc biệt cộng đồng khoa học Việt Nam đã có được sự giao lưu, kết nối, trao đổi với các nhà khoa học danh tiếng quốc tế về những thành tựu khoa học mới. 

Nhấn mạnh đến cuộc cách mạng KH&CN 4.0 sẽ đặt ra nhiều thách thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Trung tâm ICISE xây dựng một môi trường khoa học tốt, phát triển bền vững, nhấn vào thực tiễn, hiệu quả và có tính lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Đặc biệt, giáo sư Trần Thanh Vân nói riêng và các nhà khoa học nói chung sẽ góp ý kiến cho Chính phủ để chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng để có giá trị gia tăng tốt hơn, tạo nền tảng vững chắc hơn trong cuộc cách mạng 4.0. “Hơn lúc nào hết việc vận dụng các thành tựu KH&CN vào phát triển kinh tế có ý nghĩa rất lớn trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng. Không có KH&CN, không có ứng dụng KH&CN mới, không tìm ra giá trị gia tăng mới trong phát triển và không có khát vọng phát triển đưa đất nước Việt Nam tiến lên thì nước ta khó có thể sánh vai với các cường quốc năm châu”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Để ý tưởng hình thành một đô thị khoa học quốc tế tại Bình Định được triển khai thực hiện thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương, nguyên tắc Bình Định xây dựng một đô thị khoa học và giáo dục. Đây là bước đi mạnh dạn và tiên phong để có thể quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, góp phần thúc đẩy khoa học nước nhà. Thủ tướng cũng đã đề nghị tỉnh Bình Định phải đặt ra một lộ trình cụ thể để phấn đấu, có những đề xuất cụ thể, cần thiết hơn nữa đối với ý tưởng này để Chính phủ có sự hỗ trợ kịp thời.

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật