A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý nghiêm vi phạm về chống khai thác IUU

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) của tỉnh chiều 5.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các ngành, các cấp chú trọng công tác quản lý tàu cá và xử lý nghiêm vi phạm.

Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn giám sát tàu cá xuất nhập cảng, thực hiện thủ tục cho ngư dân, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Tăng cường quản lý

Bình Định đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp khắc phục các khuyến nghị IUU của Ủy ban châu Âu (EC). Đến nay, toàn tỉnh có 3.143 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động khai thác thủy sản tại vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 100%.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), ngoài việc quản lý tàu cá qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình, ngành Thủy sản phối hợp chặt chẽ BĐBP tỉnh, CA tỉnh, Ban quản lý cảng cá tỉnh tăng cường kiểm tra tàu cá ra, vào cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi; kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã kiểm tra 3.826 lượt tàu cá, xử phạt 85 trường hợp vi phạm, với số tiền 873,5 triệu đồng. Việc thực hiện mạnh tay chống khai thác IUU đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc chấp hành Luật Thủy sản, các quy định IUU, nhất là đội tàu hành nghề giã cào (lưới kéo).

Ngư dân Hồ Văn Lập (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn), chủ tàu giã cào BĐ 91382 -TS hoạt động tại vùng lộng, chia sẻ: “Trước khi ra khơi, tôi khai báo danh bạ thuyền viên, chứng chỉ thuyền trưởng, sổ hành trình; tàu về cảng neo đậu đúng khu vực quy định. Mình phải thực hiện nghiêm túc quy định của ngành chức năng thì mới được hoạt động, không sẽ bị phạt”.

Để hạn chế tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, ngành Thủy sản đã xóa đăng ký 550 tàu cá của ngư dân tỉnh ta nhưng khai thác thủy sản ngoài tỉnh. Cũng vì vậy mà có 59 chủ tàu cá đã về địa phương khai báo và phục hồi lại đăng ký tàu cá. Nhờ đó, hoạt động của đội tàu khai thác thủy sản xa bờ từng bước đi vào nề nếp.

“Quy định hiện nay bắt buộc tàu cá hoạt động vùng khơi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong khi đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động vùng lộng thì không bắt buộc, mà phần lớn số tàu này nằm trong nhóm tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Vì vậy, Nhà nước cần có quy định để quản lý chặt chẽ hơn số tàu này”, ngư dân La Thành Sơn (phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn) cho hay.

Ngành chức năng tuần tra, kiểm soát để quản lý tàu cá ra, vào cảng.

Xử lý nghiêm vi phạm

TX Hoài Nhơn hiện có đội tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh và cũng là địa phương thực hiện tốt chống khai thác IUU. Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho biết: “Dù từ đầu năm đến nay, không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng chúng tôi không chủ quan, lơ là. Bởi, hiện còn một số tàu cá khai thác thủy sản xa bờ bị cảnh báo vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam trên bản đồ điện tử của hệ thống giám sát tàu cá. Chúng tôi chỉ đạo các phường, xã kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng tàu bị cảnh báo và yêu cầu họ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài”.

Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: Từ đầu năm đến nay, có 312 lượt tàu cá (203 tàu) bị cảnh báo vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam trên bản đồ điện tử của hệ thống giám sát tàu cá, Sở đã đưa vào danh sách nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU và gửi cho các Ban quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, BĐBP tỉnh kiểm soát chặt chẽ khi tàu về bến. Đồng thời, gửi danh sách số tàu này cho Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh phía Nam đề nghị phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tới đây, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh quy định xử lý tàu cá bị cảnh báo, tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình bằng việc xử phạt, cắt chế độ hỗ trợ nhiên liệu…

Cùng với công tác tuyên truyền vận động, việc xử lý mạnh tay các tàu cá vi phạm Luật Thủy sản cũng đã được ngành chức năng thực hiện. Từ năm 2018 - 2020, UBND tỉnh, BĐBP, CA tỉnh đã ra quyết định xử phạt 19/48 trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, với hơn 8,1 tỷ đồng. Nhờ vậy, 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh chỉ có 9 tàu cá vi phạm, giảm 8 tàu so cùng kỳ năm 2019.

Theo thượng tá Lương Văn Toàn, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế (CA tỉnh), toàn tỉnh hiện còn 1.248 tàu cá thiếu giấy tờ hoặc không có giấy tờ vẫn lén lút hoạt động khai thác. Để quản lý chặt chẽ hơn tàu cá Bình Định hoạt động khai thác thủy sản, ngành Thủy sản cần rà soát lại, hướng dẫn chủ tàu làm giấy tờ đầy đủ để hoạt động đúng quy định; riêng CA tỉnh sẽ tiếp tục triển khai lực lượng phối hợp đơn vị liên quan để kiểm soát, quản lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU. Cùng với việc ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phải cưỡng chế thi hành quyết định nộp phạt những trường hợp vi phạm đã bị xử phạt. “Còn một tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì không thể nào gỡ được “thẻ vàng” thủy sản của EC. Vì trách nhiệm chung, các đơn vị phải làm quyết liệt hơn nữa, xử phạt thật nghiêm trường hợp vi phạm. Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh, không thể du di để ngư dân nhờn luật, có như vậy mới tiến tới xây dựng nghề cá hiện đại”, ông Trần Châu nhấn mạnh.

Theo ĐOÀN NGỌC NHUẬN (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật