|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ lấy ý kiến dự thảo Báo cáo về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 21/9, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến dự thảo Báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Tại điểm cầu Trung ương, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang đồng chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì điểm cầu Bình Định.

Điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan đã thực hiện rà soát 455 văn bản, gồm 61 luật, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 195 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 199 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành.

Trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, hiệp hội liên quan, Tổ công tác đã tổng hợp, phân loại thành 24 Phụ lục tương ứng với 24 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát tại Nghị quyết số 101/2023/QH15. Trong 24 nhóm lĩnh vực đó, có 22 lĩnh vực trọng tâm (đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá), 1 nhóm lĩnh vực pháp luật khác và 1 nhóm lĩnh vực đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với bố cục, nội dung dự thảo Báo cáo của Chính phủ về rà soát theo Nghị quyết 101/2023/QH15, các phụ lục kết quả rà soát kèm theo, hướng xử lý kết quả rà soát. Đồng thời, cho ý kiến đối với các lĩnh vực, nhất là những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc tại các luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư.

Các địa phương kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành trong rà soát; sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để bảo đảm chất lượng các văn bản pháp luật ban hành.

Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án tăng cường cán bộ pháp chế cho các địa phương; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương về xây dựng thể chế và rà soát văn bản quy phạm pháp luật; quan tâm đầu tư kinh phí bảo đảm những điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng thể chế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023/QH15. Trong đó, bao gồm việc hoàn thiện văn bản mới, rà soát các văn bản trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân. Qua rà soát cho thấy, việc hoàn thiện thể chế pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế. Vì vậy, ý kiến tại hội nghị sẽ củng cố thêm cơ sở để tổ công tác của Chính phủ và Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát với thực tế của các bộ, ngành, địa phương; yêu cầu bộ phận giúp việc tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến này để hoàn chỉnh báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu cần xác định rõ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, giải pháp để xử lý kết quả rà soát. Đối với những nội dung liên quan đến luật, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơ hội để Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, theo hướng những nội dung nào thuộc chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2023-2024 thì các bộ, ngành lựa chọn đưa vào, còn những nội dung chưa có thì đề xuất điều chỉnh ngay trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền kịp thời về những nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm sớm đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống, tạo đồng thuận trong xã hội.

Bên cạnh những nội dung rà soát trong Báo cáo, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi./.


Tác giả: Minh Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật