|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 15/9, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025. Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU; đại diện Thường trực Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện các hiệp hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhằm phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP, ngày 14/5/2021, Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025.

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương trình bày báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU.

Theo báo cáo tại hội nghị, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, cán bộ đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được nâng lên. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP năm 2021, 2022 đạt kế hoạch đề ra. Năm 2021 chiếm 29,11% (kế hoạch 29,1%), năm 2022 chiếm 30,16% (kế hoạch 29,7%). Cơ cấu kinh tế công nghiệp trong GRDP chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP tăng từ 20% vào năm 2020 lên 20,38% vào năm 2021 và tăng lên 21,06% vào năm 2022. Giá trị sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng; năm 2021 đạt 52.537 tỷ đồng, năm 2022 đạt 56.848 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 28.488 tỷ đồng. Một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn tiếp tục hoạt động hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng như: Năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm, hàng may mặc, sản xuất thuốc, chế biến gỗ… Kim ngạch xuất khẩu các năm tăng trưởng mạnh và vượt chỉ tiêu kế hoạch; một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giữ vững đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, các kết quả đạt được chưa tương xứng với kỳ vọng, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng hàng năm chưa đạt chỉ tiêu đã ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng chung và kỳ vọng đưa Bình Định vào nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung. Trên địa bàn tỉnh, hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa thu hút được các dự án, các doanh nghiệp lớn đủ mạnh để tạo cú hích, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Công tác thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Hạ tầng kỹ thuật hầu hết các cụm công nghiệp xây dựng chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, tiến độ đầu tư còn chậm, chưa sẵn sàng đáp ứng thu hút đầu tư, nhất là các cụm công nghiệp do ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ đầu tư; tỷ lệ lấp đầy nhiều khu, cụm công nghiệp rất thấp, tỷ lệ đóng góp vào kinh tế của tỉnh còn hạn chế; tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được xử lý dứt điểm…

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận liên quan đến những vấn đề: công tác phát triển công nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU về lĩnh vực phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025; giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động và yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh; đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành gỗ trên địa bàn tỉnh trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU, dự báo tình hình và định hướng phát triển trong thời gian tới; kết quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tình hình hoạt động của Khu công nghiệp Becamex - VSIP Bình Định trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Tỉnh uỷ, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, người dân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, tổ chức triển khai tốt các nhiệm vụ đã đề ra và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU, trong thời gian đến, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể trong tỉnh, trước hết là các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cần đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung phân tích nguyên nhân, đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể, mang tính căng cơ, khả thi, phù hợp nhằm khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế. 

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai tốt một số nhiệm vụ: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm, quyết tâm chính trị, của cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và Nhân dân trong thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU và các chương trình hành động liên quan đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đã ban hành.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách; đánh giá hiệu quả thực hiện; rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết, Chương trình hành động đã đề ra; phân tích, đánh giá khả năng thực hiện, đề xuất giải pháp cụ thể để có định hướng chỉ đạo điều hành, quyết tâm thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp lớn của Chương trình. 

Sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học công nghệ cao, tăng tỷ lệ nội địa hóa; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp ưu tiên như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin, công nghiệp thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng sạch, công nghiệp chế biến gắn với sản xuất và tiêu thụ  nông - lâm - thủy sản...

Đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, nhất là Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; đôn đốc các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi sớm triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Tập trung quyết liệt huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối, hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp. Rà soát, tăng cường quản lý, kiểm soát giá cho thuê đất tại khu, cụm công nghiệp theo đúng quy định, nhất là giá cho thuê tại các khu, cụm công nghiệp mà nhà nước hỗ trợ đầu tư.

Đổi mới tư duy, cách thức thu hút đầu tư; chủ động kết nối, thường xuyên tổ chức các buổi làm việc cụ thể với các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, nhất là sau các hội nghị xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước để kịp thời phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực. Ưu tiên đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số ngành, lĩnh vực gắn với yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức các hoạt động tư vấn về chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các ngành công nghiệp chủ lực. Đồng thời, quan tâm công tác kiểm soát môi trường; kiên quyết xử lý theo quy định các cơ sở vi phạm Luật Bảo vệ môi trường./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật